Cành không sinh trái - Thứ Tư Tuần V - Mùa Phục Sinh

Cành không sinh trái - Thứ Tư Tuần V - Mùa Phục Sinh

Cành không sinh trái - Thứ Tư Tuần V - Mùa Phục Sinh

CÀNH KHÔNG SINH TRÁI 

Cv 15,1-6; Ga 15,1-8 

Thứ Tư Tuần V - Mùa Phục Sinh, 10/05/2023

Trong dụ ngôn cây nho, Chúa Giêsu phân biệt hai loại rõ ràng: cành gắn liền với cây thì sinh hoa trái, còn cành không gắn với cây thì khô héo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có loại cành gắn liền với cây mà lại không sinh trái (x. Ga 15,2)! Vậy đây là loại nào?

Bài ca vườn nho (5,1-7) được tiên tri Isaia cất lên vào đầu sứ vụ của ông, nói về dân của hai vương quốc Israel và Giuđa được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, nhưng họ chỉ sinh những trái nho dại! Hình ảnh ấy gợi ý cho chúng ta hiểu về cành nho gắn liền với thân nho nhưng lại không sinh hoa trái. Có người cắt nghĩa hình ảnh này là những người xưng mình là kitô hữu, là cành của cây nho đích thật, mình giữ đạo thật sốt sắng, thật đầy đủ, nhưng họ không sinh trái hoặc chỉ sinh ra trái nho dại.

Giữa danh nghĩa là kitô hữu và việc trổ sinh hoa trái trong đời sống kitô hữu nhiều khi không trùng khớp nhau. Các việc thờ phượng được thực hiện cách rôm rả nhưng những tính chất kitô hữu không thấy đâu. Tôi nghe kể tại một giáo xứ nọ, những người thuộc về các nhóm đồng hương khác nhau đấu đá nhau kịch liệt, đấu đá vì ganh nhau trong các nghi lễ tôn giáo giữa các nhóm và các cha trong giáo xứ trở thành những người bị lên án bằng những lời nói đầy khiếm nhã chỉ vì họ cho rằng các cha ưu tiên cho phe kia hơn phe họ! Một cuộc đấu đá được coi là do từ lòng nhiệt thành của những người đạo đức!!!

Điều gì khiến cho có những tình trạng không trái hay trái dại, trong khi họ vẫn là kitô hữu siêng năng đi nhà thờ? Vậy là trong khi vẫn gắn với cây, nhưng họ hút lấy nhựa ở đâu đó chứ không phải từ cây nho. Họ không thay đổi mình để có được tư tưởng của Chúa Kitô, không cảm nhận được tấm lòng của Ngài, cho nên họ là kitô hữu “hữu danh vô thực”!

Để là kitô hữu đích thực, họ phải để cho Thiên Chúa cắt tỉa (x. 15,2) những gì là con người, là trần tục. Họ phải chịu đau đớn, chịu lột bỏ, chịu thua thiệt... Không chấp nhận điều này, thì mang danh là kitô hữu chỉ là hình thức hay là một thứ lợi dụng danh nghĩa ấy để tìm ích lợi cho bản thân mà thôi. Điều đáng lo là: trong khi như thế, họ vẫn tự phụ mình là đạo đức, mình đạo đức hơn người. Đây là những “kitô hữu nguy hiểm”!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn