Lắng nghe Lời và thay đổi tâm hồn mình
Xh 16,1-5.9-15; Mt 13,1-9
Thứ Tư Tuần XVI - Mùa Thường Niên, 23/07/2025
Dụ ngôn hạt giống gieo vào các mảnh đất khác nhau trong Tin Mừng Matthêô muốn nói về Lời Chúa và việc đón nhận Lời Chúa nơi các tâm hồn. Lời Chúa vẫn được gieo như nhau cho mọi người, nhưng tuỳ vào tâm hồn mỗi người mà Lời ấy được lớn lên hay chết yểu! Vậy phải chăng Giáo Hội Công Giáo ngày nay đang đối diện với ý nghĩa của dụ ngôn này khi kêu mời mọi tín hữu hãy biết lắng nghe Lời Chúa.
Lời Chúa đến với mỗi người không chỉ trong những lúc nghe công bố Lời Chúa cách long trọng, nhưng còn trong cuộc sống hàng ngày qua lời của anh chị em mình, qua hoàn cảnh sống. Việc đón nhận Lời Chúa nơi cả hai lãnh vực ấy đều khó và có tương tác lẫn nhau. Khi người ta không sẵn sàng trước những lời của anh chị em mình, muốn phản kháng lại những lời đó và phản kháng với cuộc sống, thì người ta cũng không thể nghe Lời Chúa được công bố trong nhà thờ, bởi vì Lời Chúa được công bố cũng mời người ta lắng nghe và đón nhận Lời Chúa được vang lên bằng nhiều cách khác nhau trong đời sống. Việc phân định thánh ý Chúa trong cuộc đời được thực hiện khi ngồi thinh lặng trước Lời Chúa. Nhưng nếu người ta từ khước cuộc sống hàng ngày thì không có phân định nữa, bởi vì người ta chỉ muốn sống theo ý mình mà thôi.
Như vậy, những tâm hồn hời hợt không dám đối diện với Lời Chúa được nghe và không biết suy nghĩ về những gì được nghe trong cuộc sống, trong bối cảnh sống, thì họ như hạt lúa bên vệ đường, không để cho Lời Chúa tác động, họ bỏ Lời Chúa ra bên lề cuộc sống. Hoặc Lời Chúa chỉ là niềm vui nhất thời, được nghe nhưng người ta không để cho Lời ấy chạm đến nơi sâu thẳm của con người mình vì họ sợ (!), thì Lời Chúa cũng mau qua đi, như hạt rơi trên đá sỏi. Hoặc nếu có ý muốn đón nhận Lời Chúa đấy, nhưng họ gặp phải một cuộc chiến đấu khốc liệt quá giữa đòi hỏi của Lời Chúa và những đam mê của mình. Họ không dám từ bỏ chính mình. Những đam mê ấy là những chiếc gai đâm thủng sự phát triển của Lời Chúa.
Còn những Lời Chúa được nghe, được nghiềm ngẫm, được dùng để phân định cuộc sống, thì hạt được nẩy mầm nhiều ít khác nhau tuỳ mức độ đón nhận Lời của mỗi người. Hạt được 30, hạt được 60, hạt được 100. Càng tập khả năng lắng nghe và phân định, hoa mầu càng sung túc. Tập lắng nghe và trao đổi với nhau, thì người ta có thể nghe cho đúng và nghe cách phong phú.
Tập nghe thì sẽ đón nhận được điều Chúa muốn, thì có thể phân định. Tập nghe thì có thể sinh hoa trái cho cuộc đời, có thể cộng tác để xây dựng Nước Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn