Vâng phục và việc phục vụ cho sự hiệp nhất - Cung hiến thánh đường Latêranô

Vâng phục và việc phục vụ cho sự hiệp nhất - Cung hiến thánh đường Latêranô

Vâng phục và việc phục vụ cho sự hiệp nhất - Cung hiến thánh đường Latêranô

Vâng phục và việc phục vụ cho sự hiệp nhất

Ed 47,1-2.8-9.12; Ga 2,13-22

Cung hiến thánh đường Latêranô

09/11/2024

 

Vương cung thánh đường Latêranô là nhà thờ chính tòa của giám mục Roma, tức là Đức Thánh Cha. Vì thế, đây được coi là thánh đường mẹ của mọi thánh đường trên thế giới. Khi mừng lễ cung hiến vương cung thánh đường này, các kitô hữu cầu nguyện cho sứ vụ của Đức Thánh Cha như là người phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tôi xin mượn ý nghĩa ấy để suy nghĩ về việc phục vụ cho sự hiệp nhất và thái độ vâng phục trong các cộng đoàn đức tin.

Nhìn về các chức vụ trong Giáo Hội như là một trách nhiệm phục vụ cho cộng đoàn, tôi nghĩ đến lòng biết ơn đối với những người đảm nhận trách nhiệm. Vài tiếng vỗ tay, vài lời tôn vinh chỉ là hình thức và chóng qua, sau đó, những người này phải thường xuyên đối diện với trách nhiệm về cộng đoàn và về từng người trong cộng đoàn. Vậy nếu những người này đã quảng đại đảm nhận trách nhiệm chung, thì mọi người cần biết ơn họ và cộng tác với họ, giúp cho trách nhiệm của họ được thi hành dễ dàng nhất. Điều ấy cũng là vì ích lợi cho cộng đoàn, cho mỗi người trong cộng đoàn. Thế thì tại sao các thành viên cứ ở trong thái độ phê phán, chỉ trích, phản kháng để làm gì, bởi vì làm như thế không những là vô ơn, mà còn làm thiệt hại đến cộng đoàn, đến người khác và đến bản thân mình nữa! Tại sao không chọn thái độ đỡ lấy gánh nặng cho nhau, cộng tác với nhau? Từ góc nhìn như thế mà chúng ta nói về sự vâng phục. Vâng phục không được nhìn dưới góc nhìn về quyền bính để rồi sinh ra đối đầu, phản kháng, bất mãn, nhưng vâng phục được hiểu theo nghĩa cộng tác vào việc chung, mỗi người một tay. Biết đón nhận vai trò trách nhiệm chung của người lãnh đạo để vun quén vào, để hỗ trợ cho nhau.

Phần người lãnh trách nhiệm, đây là chỗ để dấn thân phục vụ cộng đoàn, nên đừng chọn thái độ khẳng định mình, đừng thể hiện quyền bính của mình. Hơn nữa, trong trách nhiệm về cộng đoàn thì điều ưu tiên cần tìm kiếm không phải là thành công, không phải là hoàn thành công việc, nhưng điều cần tìm kiếm trước hết phải là sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Nếu các thành viên chưa cùng một nhịp bước, thì bao nhiêu có thể, hãy chờ đợi nhau. Làm sao để cộng đoàn thực sự trở thành nơi chốn bình an, trở thành “nhà” của mỗi người. Khi cần phải chọn lựa giữa những khác biệt, hãy kiên nhẫn giải thích cho nhau, và thành viên hãy có thiện chí đón nhận lời giải thích và đón nhận sự chọn lựa của người có trách nhiệm chính. Sự hiệp nhất dựa trên thái độ lắng nghe và trao đổi sẽ trở thành chứng từ sống động về Giáo Hội, về đức tin của kitô hữu.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn