Cuộc đời Marthe Robin - Đời sống thiêng liêng của chị Marthe Robin 1930 - 1936

Cuộc đời Marthe Robin - Đời sống thiêng liêng của chị Marthe Robin 1930 - 1936

Cuộc đời Marthe Robin - Đời sống thiêng liêng của chị Marthe Robin 1930 - 1936

Sau cuộc “trở lại” của chị Marthe Robin, chị quyết định sống. Chị đã lãnh sứ vụ và muốn thuận theo sứ vụ. Chị chưa biết sứ vụ đó sẽ có những chiều kích nào và sẽ mang những hình thức cụ thể nào. Vậy chị phải chuẩn bị. Nhưng chị có được rất ít phương tiện. Cho nên chị phải huy động mọi nghị lực của chị trong các năm 1930 đến 1936, với mục đích đào sâu và tập luyện mình.

Chị Marthe trong căn phòng của chị

Trước tiên chị Marthe phải bố trí khung cảnh đời sống. Bởi vì có lẽ chị bắt buộc phải ở lại một chỗ. Vả lại, chị đi đâu được? Chị Marthe không cam chịu sống trong hoàn cảnh lệ thuộc hoàn toàn. Cũng như nhiều bệnh nhân đau nặng, chị sẽ triển khai những kho tàng nghị lực để tổ chức cái vũ trụ quen thuộc của chị và thu xếp để có thể sử dụng tối đa vũ trụ đó. Công việc này trong thực tế cũng được áp dụng trong mọi lãnh vực ở trong tầm tay chị. Những chân trời không gian thực tế của chị Marthe giới hạn trong phòng của chị. Ít ra chị cũng biết hoàn toàn căn phòng và biết chỗ để các vật dụng cho đến những ngăn, kệ-tủ. Chị Marthe không ra khỏi phòng nữa. Vậy chị sử dụng tối đa những giác quan nào còn hoạt động được: thính giác, khứu giác. Chị tiếp thu tối đa mọi thông tin từ hai giác quan đó. Chị rất nhạy bén về tiếng nói của từng ngừơi. Chị không cử động nữa, hoặc chút ít gì, vì thế chị khai triển việc truyền thông, không bằng cử chỉ, mà bằng lời nói: chị nói tiếng Pháp rất chính xác, với một ngữ điệu và độ cao giọng nói rất rõ ràng thích ứng với tư cách của mỗi người nói chuyện với chị. Bao lâu có thể được, chị đọc sách báo thư từ nhờ một thiết bị đặt gần chị. Chị biết có nguy cơ mất thị giác. Vậy chị sẽ chú tâm nghiên cứu những sách về linh đạo đặt để vừa tầm tay, và nhờ có được ký ức đặc biệt và sắc sảo nhiều hơn nữa vì cần thiết, chị dung nạp những yếu tố đoán là có lợi nhất, cho đến khi thuộc lòng hoàn toàn. Cũng vậy, chị viết được bao nhiêu tùy sức, và như vậy chị chống chọi từng bước một với chứng bại liệt. Chị đã tập viết ngay cả bằng cách ngậm bút chì mà viết.

Trong khi yêu cầu chị Marthe chỉ đọc những sách hoàn toàn về linh đạo, cha Marie-Bernard đã liều giới hạn quá mức những tầm nhìn xa của chị. Không chỉ trong phương diện nhân bản, mà còn cả trong phương diện tôn giáo. Nhưng chị Marthe Robin sẽ tuân theo chỉ thị đó trong một thời gian chúng ta không biết được. Nhưng điều đó không có những hậu quả tiêu cực. Thực tế, khả năng đọc sách của chị bị thu hẹp và chị lại cần được trang bị trong lãnh vực linh đạo. Vậy chị sẽ tập trung vào điểm này. Nhưng mặt khác, cách nhanh chóng, chị sẽ đón tiếp rất nhiều người khách khác nhau. Dù chỉ để biết người chị tiếp là ai, chị sẽ phải tiếp thu những thông tin đủ loại khác nhau, đôi khi chỉ liên quan xa đối với lãnh vực thần nghiệm. Điều đó sẽ giúp chị rất nhiều. Vì nhờ những buổi trò chuyện, và có kèm theo việc trao đổi thư từ, chị Marthe nới rộng khoảng không gian phòng chị. Sau này, chị sẽ không ngần ngại quan tâm cách tự do đến cả ngàn sự việc và đôi khi chị gây ngạc nhiên cho những người nói chuyện với chị, khi thấy chị tò mò nhiều điều rất xa lạ với điều họ trông đợi nơi chị. Cũng trong lãnh vực này, chị Marthe Robin vẫn là rất con người, và không có gì sai lệch bằng đóng khung chị vào bức chân dung một người thần nghiệm tách rời sự sống.

Bệnh của chị Marthe Robin trải qua những lúc tiến triển, thoái hoá và những giai đoạn hồi phục. Dầu hai chân tê liệt, chắc chắn chị thử di chuyển khi hai cánh tay còn cử động được. Chị thử đến hết mức làm việc gì có thể làm được để duy trì một thứ tình trạng bình thường. Như vậy chị chống cùi chỏ, chuyển động quay mình trên nền phòng, như những người khuyết tật nặng vẫn làm. Chị lết đi trên sàn phòng đôi khi để lo cho nhu cầu riêng tư. Chị không ở trong môi trường thuận lợi: như vậy chị nhằm vào ban đêm, trong những lúc có thể được. Như vậy, điều di chuyển rất hạn chế, chị cũng giữ được một phần tự do. Có lẽ chị sẽ giữ lại được khả năng đó, ít là trong vài khoảng thời gian, cho đến cuối đời. Như thế chị sẽ làm tất cả để gìn giữ một vùng đời sống cá nhân. Có người đã ngạc nhiên: sự ngạc nhiên này không nghiêm túc. Hành động của chị Marthe cho thấy rõ: chị không phải là một thân xác vinh quang. Đó là một con người có nhu cầu chính đáng và chiến đấu để coi trọng những nhu cầu đó. Chị rất tế nhị trong lãnh vực này, nên chị không có tâm sự gì.

Tuy nhiên, chị Marthe Robin vẫn bị lệ thuộc vừa khi phải làm chút gì hơn. Chị không có lợi tức gì: chị hoàn toàn nhờ cứu trợ. Làm sao kiếm ít tiền bạc, ít nữa là để làm việc bác ái, giúp đỡ những tù nhân hoặc những vị truyền giáo là những người đã rất nhanh chóng trở thành mối quan tâm của chị? Vậy, trong vài năm, chị có buôn bán một ít món đồ đạo (chuỗi, ảnh tượng…) và có được những lợi tức ít ỏi. Người ta không thấy chị hưởng lợi cho mình cách này hay cách khác. Chị cũng có nhận được quà của những bà ân nhân như bà du By. Như vậy chị bắt đầu một hoạt động giúp đỡ và cứu trợ. Hoạt động này chiếm nhiều thời giờ của chị, nhưng đem tới cho chị cơ hội tiếp xúc với nhiều người nghèo túng.

Đối với các việc khác còn lại, đối với đời sống thông thường và đối với công việc chị muốn làm để phục vụ Giáo Hội chị buộc phải nhờ đến những người sẵn lòng. Mẹ chị chăm lo những việc cần thiết thông thường của chị. Chị cũng có những mối quan hệ bạn hữu rất quý giá cho chị sau này.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Lê Tấn Thành