Tĩnh tâm Cuối tuần: Bí Tích Thánh Tẩy Nơi Tuôn Trào Lòng Thương Xót Chúa

Tĩnh tâm Cuối tuần: Bí Tích Thánh Tẩy Nơi Tuôn Trào Lòng Thương Xót Chúa

Tĩnh tâm Cuối tuần: Bí Tích Thánh Tẩy  Nơi Tuôn Trào Lòng Thương Xót Chúa

Bí Tích Thánh Tẩy

Nơi Tuôn Trào Lòng Thương Xót Chúa

Dưới khung cảnh thiên nhiên thanh bình, con người được mời gọi trở về với sự tĩnh lặng nội tâm để cảm nhận nhịp thở của đất trời và mở lòng ra đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Hình ảnh giếng Rửa Tội trở thành biểu tượng nhắc nhớ rằng chính tại nơi ấy, chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đón nhận vô điều kiện.

Trong hành trình sống, mỗi người đều trải qua những lúc mệt mỏi, lo âu, tổn thương hay cảm thấy không xứng đáng. Nhưng giữa những giằng co ấy, chúng ta được nhắc nhớ rằng ngày chịu Phép Thánh Tẩy, chúng ta đã được gọi là “con của Thiên Chúa”. Giếng rửa tội không dành cho người hoàn hảo, nhưng là nơi người yếu đuối bắt đầu lại trong tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Ngay cả khi cảm thấy lạc lõng, thất vọng hay nghi ngờ, lời hứa yêu thương của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Tẩy vẫn không thay đổi. Phẩm giá làm con cái Thiên Chúa là một ân huệ không ai có thể lấy đi – không phải người đời, quá khứ hay chính bản thân ta. Từ đáy lòng, người tín hữu thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng con đã được Ngài ôm vào lòng trong giếng rửa tội... và tin rằng con vẫn thuộc về Ngài.”

Tuy nhiên, lòng thương xót không chỉ là quà tặng nhưng còn là một lời mời gọi. Ai đã nhận được lòng xót thương thì cũng được kêu mời trở thành khí cụ của lòng thương xót nơi trần gian: nhìn tha nhân bằng ánh mắt cảm thông, chọn tha thứ thay vì oán hận, biết nâng đỡ thay vì loại trừ. Đó chính là cách sống mầu nhiệm Thánh Tẩy hằng ngày – sống như ánh phản chiếu của tình yêu Thiên Chúa.

Trong một thế giới nhiều chia rẽ và vị kỷ, lòng thương xót không còn chỉ là đức tính cá nhân, mà là một chứng tá mạnh mẽ cho sự hiện diện của Chúa. Một lời an ủi, một hành động tha thứ, một cử chỉ quan tâm nhỏ bé… đều có thể trở thành dòng suối mát làm dịu đi sa mạc khô cằn của nhân loại.

Cuối cùng, cử chỉ “rửa tay cho nhau” như một hành động biểu tượng đầy ý nghĩa. Nó diễn tả tình yêu thương, sự đón nhận, đồng thời là một lời nguyện xin Thiên Chúa thanh tẩy lòng mình khỏi ích kỷ, vô cảm và chia rẽ. Đôi tay được mở ra để dâng lên Chúa những ước nguyện sâu kín, và để được Người biến đổi thành khí cụ phục vụ, an ủi và xây dựng hiệp thông.

Lạy Chúa Giêsu, 

Xin cho đôi tay con đừng khép lại trước nỗi đau của người khác. 

Xin cho chúng con biết đụng chạm đến nhau bằng lòng thương xót. 

Như khi dùng nước để rửa tay nhau, xin tình yêu Chúa rửa sạch nơi chúng con mọi vô cảm, mọi ích kỷ, để chúng con trở nên khí cụ mang lòng Chúa xót thương đến cho đời nhau. Amen

MKH.FCT

Hoạt động: Rửa tay cho nhau