Bài giảng thánh lễ khai mạc sứ vụ thánh Phêrô của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV

Bài giảng thánh lễ khai mạc sứ vụ thánh Phêrô của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV

Bài giảng thánh lễ khai mạc sứ vụ thánh Phêrô của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã cử hành Thánh lễ nhậm chức vào lúc 10h sáng Chúa Nhật, 18 Tháng Năm, theo giờ địa phương, tức là 3h chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, trong thánh lễ đại trào tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thánh lễ này sẽ đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tân Giáo Hoàng nói:

Thưa các anh em Hồng Y, các anh em Giám mục và Linh mục, các vị Thẩm quyền và Thành viên của Ngoại giao Đoàn, cùng những người đã đến đây để tham dự Năm Thánh của các Hội đoàn, thưa tất cả anh chị em:

Tôi chào tất cả anh chị em với một trái tim tràn đầy lòng biết ơn khi bắt đầu sứ vụ được giao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và trái tim chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa” (Tự thú, I: 1,1).

Trong những ngày này, chúng ta đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt. Cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấp đầy trái tim chúng ta bằng nỗi buồn. Trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta cảm thấy giống như đám đông mà Phúc âm nói rằng “như bầy chiên không có người chăn” (Mt 9:36). Tuy nhiên, vào Chúa Nhật Phục sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của ngài và, dưới ánh sáng của biến cố phục sinh, chúng ta đã trải qua những ngày tiếp theo trong niềm xác tín rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, nhưng quy tụ họ khi họ bị phân tán và bảo vệ họ “như người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình” (Gr 31:10).

Trong tinh thần đức tin này, Hồng Y đoàn đã họp Cơ Mật Viện. Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, chúng tôi đặt vào tay Chúa ước muốn bầu lên Người kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng bảo tồn di sản phong phú của đức tin Kitô và đồng thời hướng đến tương lai, để đối mặt với những vấn nạn, những mối quan tâm và thách thức của thế giới ngày nay.

Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi có thể cảm nhận được sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể đưa chúng tôi vào sự hòa hợp, như những nhạc cụ, để dây đàn của trái tim chúng tôi có thể rung lên trong một giai điệu duy nhất. Tôi đã được chọn, không có bất kỳ công trạng nào của riêng tôi, và bây giờ, với sự sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Chúa, vì Người muốn tất cả chúng ta được hợp nhất trong một gia đình.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai chiều kích của sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Phêrô. Chúng ta thấy điều này trong Tin Mừng hôm nay, dẫn chúng ta đến Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh mà Người đã nhận được từ Chúa Cha: đó là trở thành “người đánh cá” của nhân loại để kéo họ lên khỏi dòng nước của sự dữ và sự chết. Khi đi dọc bờ biển, Người đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác, trở nên giống như Người, là “những người đánh cá người”.

Bây giờ, sau biến cố phục sinh, họ phải tiếp tục sứ mệnh này, thả lưới liên tục, mang hy vọng của Phúc Âm vào “mặt nước” của thế giới, vượt qua biển cả cuộc sống để tất cả mọi người có thể trải nghiệm được vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa.

Làm sao Phêrô có thể thực hiện được nhiệm vụ này? Thưa: Phúc Âm cho chúng ta biết rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được vì chính cuộc đời của thánh nhân đã được tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa chạm đến, ngay cả trong giờ phút Phêrô thất bại và chối Chúa. Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Phúc Âm sử dụng động từ tiếng Hy Lạp agapáo, ám chỉ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến sự hiến dâng chính mình mà không giữ lại và không tính toán. Trong khi động từ được sử dụng trong câu trả lời của Phêrô mô tả tình yêu trong tình bạn mà chúng ta dành cho nhau.

Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô, “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21:16), Người đang ám chỉ đến tình yêu của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Chỉ khi con biết và trải nghiệm tình yêu này của Thiên Chúa, tình yêu không bao giờ mất đi, thì con mới có thể chăn dắt chiên con của Thầy. Chỉ trong tình yêu của Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh chị em mình bằng cùng một trọng lượng “nhiều hơn” đó, nghĩa là bằng cách hiến dâng mạng sống mình cho anh chị em mình.”

Như vậy, Phêrô được giao phó nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được phân biệt chính xác bởi tình yêu hy sinh này, vì điều mà Giáo hội Rôma chủ trì trong đức ái và thẩm quyền thực sự của mình chính là đức ái của Chúa Kitô. Không bao giờ là vấn đề nắm bắt người khác bằng vũ lực, bằng tuyên truyền tôn giáo hoặc bằng quyền lực. Thay vào đó, luôn luôn và chỉ là vấn đề yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu.

Chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “là tảng đá mà anh em là thợ xây loại bỏ, và đã trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4:11). Hơn nữa, nếu tảng đá là Chúa Kitô, Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một kẻ độc đoán, thống trị những người được giao phó cho mình (x. 1 Pr 5:3). Ngược lại, ngài được kêu gọi phục vụ đức tin của anh chị em mình và đồng hành cùng họ, vì tất cả chúng ta đều là “những viên đá sống động” (1 Pr 2:5), được kêu gọi qua phép rửa tội để xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự chung sống của sự đa dạng. Theo lời của Thánh Augustinô: “Giáo hội bao gồm tất cả những ai hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương người lân cận” (Bài giảng 359,9).

Anh chị em thân mến, tôi muốn rằng ước muốn lớn đầu tiên của chúng ta là một Giáo hội hiệp nhất, một dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới hòa giải. Trong thời đại này, chúng ta vẫn thấy quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do hận thù, bạo lực, định kiến, sợ khác biệt và một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái đất và gạt những người nghèo nhất ra bên lề.

Về phần chúng tôi, chúng tôi muốn trở thành một chất men nhỏ của sự hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ trong thế giới. Chúng tôi muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: Hãy nhìn lên Chúa Kitô! Hãy đến gần Người hơn! Hãy chào đón lời Người soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời Người đề nghị yêu thương và trở thành một gia đình của Người: trong một Chúa Kitô, chúng ta là một. Đây là con đường để cùng nhau bước theo, giữa chúng ta nhưng cũng với các giáo hội Kitô chị em của chúng ta, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị!

Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta; không khép mình trong những nhóm nhỏ của chúng ta, cũng không cảm thấy mình cao hơn thế giới. Chúng ta được kêu gọi trao tặng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để đạt được sự hiệp nhất không xóa bỏ sự khác biệt nhưng coi trọng lịch sử cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội và tôn giáo của mọi dân tộc.

Anh chị em thân mến, đây là giờ yêu thương! Trọng tâm của Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Nếu tiêu chuẩn này “thống trị thế giới, thì chẳng lẽ mọi xung đột lại không chấm dứt và hòa bình không trở lại sao?” (Rerum Novarum – Tân Sự, 21).

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được thành lập trên tình yêu của Thiên Chúa, một dấu chỉ của sự hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, công bố lời Chúa, để cho lịch sử làm cho mình “bất an”, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại. Cùng nhau, như một dân tộc, như anh chị em, chúng ta hãy tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương nhau.

Bản dịch: VietCatholic News