Bình an trong gian khổ : thực tại và niềm hy vọng - Thứ Ba Tuần V - Mùa Phục Sinh

Bình an trong gian khổ : thực tại và niềm hy vọng - Thứ Ba Tuần V - Mùa Phục Sinh

Bình an trong gian khổ : thực tại và niềm hy vọng - Thứ Ba Tuần V - Mùa Phục Sinh

Bình an trong gian khổ : thực tại và niềm hy vọng

Cv 14,19-28; Ga 14,27-31a

Thứ Ba Tuần V - Mùa Phục Sinh, 20/05/2025

Năm Thánh của niềm hy vọng hướng người Công Giáo về phía trước. Nhưng có phải chúng ta tìm kiếm những điều viễn vông, những điều chưa có và sẽ không bao giờ có chăng? Chúng ta có phải là những người bị ảo tưởng không?

Nếu như Lời Chúa của ngày Chúa Nhật V Phục Sinh gợi ra cho chúng ta về “niềm vui và niềm hy vọng hình thành từ nước mắt”, thì những ngày tiếp theo sau, phụng vụ Lời Chúa cũng hướng chúng ta về những chuẩn bị của Đức Giêsu cho các môn đệ về ngày mà Ngài không còn hiện diện hữu hình ở giữa họ nữa. Trong bầu khí đầy lo lắng của các môn đệ trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Ngài vẫn nói lời hứa bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27). Đây cũng là bầu khí của Giáo Hội thời ban đầu khiến cho ông Phaolô trấn an các tín hữu: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” (Cv 14,27). 

Có một nhận xét về các bản văn Thánh Kinh là: nhiều gian khổ đến từ chính nội bộ Giáo Hội chứ không phải từ người ngoài. Những người ghen tức, gây khó khăn cho các ông Phaolô và Barnaba là những người theo đạo Do Thái, nhưng cũng có những kitô hữu gốc Do Thái nữa, vì những người này đòi các kitô hữu phải chịu phép cắt bì của người Do Thái thì mới được cứu độ, còn các tông đồ thì nói người ta được cứu độ chỉ nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô. “Thủ lãnh thế gian” mà Đức Giêsu nói đến đã xâm nhập vào ông Giuđa Iscariốt là một trong số Mười Hai tông đồ.

Các kitô hữu gây khó khăn cho Giáo Hội, cho chính cộng đoàn của mình khi tự cho mình là “thần linh”. Đó là điều mà hai ông Phaolô và Barnaba nhất quyết từ chối (x. bài đọc 1). Đừng đặt mình, đặt ý riêng của mình lên cao quá, vì điều đó sẽ gây ra vô vàn khó khăn trong đời sống của các cộng đoàn đức tin. Biết nghĩ đến nhau, nghĩ đến cảm nhận của nhau, điều đó mới thực sự xây dựng Hội Thánh, xây dựng cộng đoàn của mình, và còn mang giá trị loan báo Tin Mừng nữa. Nếu biết sống gian khổ trong tinh thần hướng tha và vì Chúa như vậy, thì những điều hy vọng cho tương lai cũng đang được thể hiện dần dần trong cuộc sống hiện tại rồi. Niềm hy vọng đang trở thành thực tại. Trong gian khổ vì Chúa và vì tha nhân ấy, kitô hữu thực sự tìm thấy bình an, bình an thực sự đến từ Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn