Tôi nói với những người Châu Âu rằng trong đất nước của họ, bạo lực trong các gia đình, trong các cộng đoàn ngày nay chắc không còn đáng ngại nữa? Nhưng họ trả lời rằng: không phải thế, những thứ bạo lực vẫn diễn ra và người ta đang chống lại điều ấy cách mạnh mẽ, vì nó xâm phạm nhân phẩm của con người! Tôi cười và nói: phải chăng bạo lực đã nằm sâu trong máu con người?! Các cuộc điều tra cho thấy bạo lực gia đình có con số lớn hơn những môi trường khác! Vậy phải chăng, “máu bạo lực” đã được tiêm vào con người khi còn thơ ấu, để rồi sau đó, những nạn nhân lại trở thành những thủ phạm!!!
Các tiên tri thường xuyên lên án những bất công và bạo lực xã hội. Người Do Thái cho rằng việc họ bị lưu đày bên Babilon vào thế kỷ 6 tCN là do họ không tuân giữ Lề Luật, trong đó, những tội liên quan đến bất công, đàn áp người cô thế, người nghèo, người nhỏ bé trong xã hội là phần đáng kể. Nhưng rồi, khi hồi hương, “máu” bạo lực đâu vẫn hoàn đấy giữa họ!
Việc Chúa Giêsu dạy đừng gọi ai là cha, thầy hay người chỉ đạo, không dừng lại ở cách xưng hô, nhưng muốn các môn đệ vượt lên trên khuynh hướng muốn ở trên người khác.
Khuynh hướng muốn ở trên người khác thể hiện dưới dạng “hạ cấp” là bạo lực tay chân hay lời nói mạt sát. Khuynh hướng hạ cấp này “hạ gục” nhiều nạn nhân lắm! Khuynh hướng cao hơn là muốn mình có ảnh hưởng trên người khác qua việc muốn người khác lấy mình làm mẫu, muốn người khác tri ân mình, người khác nhớ đến mình khi lấy tên mình đặt cho các công trình.
Chuyện ông Môsê “chết mất xác” trên núi gợi lên một con người xoá mình hoàn toàn khi đã hoàn thành nhiệm vụ (x. Đnl 34,5-6). Chúng ta được mời gọi sống như mình là, không bận tâm muốn ở trên, muốn hơn người khác. Khi tôi biết sống như mình là, thì tôi cũng để cho người khác là chính họ. Đó mới thực sự là môi trường an toàn. Đức Chúa hứa cho ai biết sống công bình và không đàn áp người khác sẽ được hưởng hạnh phúc Ngài ban cho.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn