Kinh nghiệm được cứu độ dọc theo dòng đời
Xh 2,1-15a; Mt 11,20-24
Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên, 15/07/2025
Cách suy nghĩ của chúng ta về ơn cứu độ thường dừng lại ở nước thiên đàng nơi đời sau: được cứu độ nghĩa là được lên thiên đàng. Cách suy nghĩ này làm cho ơn cứu độ kitô giáo trở thành điều xa lạ với cuộc sống con người, làm người ta không nhận ra giá trị của cuộc sống trần gian, và nhất là người ta bỏ mất nhiều cơ hội của ân sủng trong đời sống người của mình!
Hãy trở lại với kinh nghiệm của ông Môsê được coi là người đã cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ, người đã mang lại cho dân bộ luật giúp họ sống một cuộc đời được giải thoát khỏi nhiều thứ mà con người thời bấy giờ bị ràng buộc. Con người của sự giải thoát ấy đã trải qua nhiều kinh nghiệm được giải thoát nơi bản thân, kinh nghiệm mình được cứu độ. Tên Môsê nghĩa là “được vớt lên khỏi nước” nói về kinh nghiệm được cứu mạng ngay từ khi sinh ra. Được vớt lên khỏi nước, được công chúa Ai Cập nhận làm con nuôi, được chính mẹ ruột nuôi như là vú nuôi với sự uỷ thác của công chúa. Từ kinh nghiệm được cứu sống ấy và được chính mẹ ruột nuôi lớn lên cậu Môsê biết về nguồn gốc của mình và đã trở thành người cứu thoát người đồng chủng bị hà hiếp. Rồi khi bị phát giác đã giết người Ai Cập để cứu người đồng chủng, anh lại chạy thoát và được ông bố vợ sau này đón nhận vào gia đình ông vì chính anh đã ra tay cứu giúp các con gái của ông này.
Như vậy, kinh nghiệm được cứu độ và kinh nghiệm trở thành người cứu thoát người khác cứ đan xen vào nhau cách chặt chẽ làm nên một cuộc đời duy nhất đầy sinh động và sâu sắc.
Nhận ra mình được Thiên Chúa cứu độ qua những sự kiện và qua bàn tay của người chung quanh làm cho tín hữu trở thành người biết ơn, tha thiết với những cuộc đời bên cạnh mình và được thúc đẩy góp một tay giải thoát họ. Và câu hỏi ngược lại có thể được đặt ra: phải chăng người hay gây tổn thương cho người khác là người chưa thực sự ở trong ý thức sâu xa mình được cứu, chỉ sống trong kinh nghiệm mình bị thương tích, nên những phản kháng của họ biến họ thành người gây thương tích ngược lại cho người khác?!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn