Có đôi tai và miệng lưỡi môn đệ để kiên vững - Thứ Tư Tuần Thánh

Có đôi tai và miệng lưỡi môn đệ để kiên vững - Thứ Tư Tuần Thánh

Có đôi tai và miệng lưỡi môn đệ để kiên vững - Thứ Tư Tuần Thánh

Có đôi tai và miệng lưỡi môn đệ để kiên vững 

Is 50,4-9a; Mt 26,14-25

Thứ Tư Tuần Thánh, 16/04/2025

Trong Tuần Thánh, phụng vụ Lời Chúa cho thấy tình trạng căng thẳng của những diễn biến đưa Đức Giêsu đến cái chết. Hôm nay, Tin Mừng Matthêô kể về chuyện ông Giuđa Ítcariốt bán thầy, và làm lộ rõ tính chất không phải là môn đệ của những người theo Đức Giêsu!

Đức Giêsu nói có một trong số các môn đệ sẽ phản bội Ngài. Từ ngữ paradōsei vừa có nghĩa trao nộp (deliver) vừa có nghĩa phản bội (betray). Nếu dùng từ ngữ “phản bội” thì làm rõ tương quan học trò với Thầy và cho thấy tình trạng tồi tệ của sự phản bội này! Sau khi nghe Đức Giêsu nói một trong số họ sẽ phản bội thầy, Matthêô ghi nhận các ông “buồn rầu quá sức” và lần lượt mỗi người hỏi lại: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” (26,22). Từ “Kyrie” ở đây có thể dịch là “Ngài” hoặc là “Thầy”. Nếu thuận theo ý tôi vừa trình bày ở trên, thì nên dịch là “Thầy”. Các ông “buồn rầu quá sức” vì đây là tình trạng tệ hại của môn đệ phản bội thầy! Và cũng nên ghi nhận rằng, không như các môn đệ khác, ông Giuđa, kẻ đã thoả thuận bán Thầy trước đó, lại hỏi: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” (26,25). Ông gọi Đức Giêsu là Thầy theo nghĩa long trọng của từ ngữ “Rabbi”! Thế mới chua chát!! Ở trong tình cảnh ấy, nên Đức Giêsu mới dùng Tv 41,10 để nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (26,23)!

Dù trong tình trạng chua chát ấy, Đức Giêsu vẫn kiên vững đi theo con đường của Chúa Cha muốn. Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa được nghe trong bài đọc 1 cho thấy tính chất môn đệ của chính Đức Giêsu. Là người môn đệ đích thực nên sáng sáng Ngài “lắng tai nghe như một người môn đệ.” và đồng thời Ngài cũng “nói năng như một người môn đệ” (Is 50,4). Đức Giêsu sống thái độ môn đệ với Chúa Cha để luôn nghe lời Chúa Cha và chỉ nói lời Chúa Cha. Ngài không tìm kiếm chính mình, nhưng luôn trung tín với Chúa Cha. Và chính với thái độ này mà Đức Giêsu đã vượt qua những tình huống vô cùng bi đát.

Để là môn đệ trung tín của Đức Giêsu Kitô, mỗi kitô hữu cũng cần có thái độ của người môn đệ khi biết nghe và chỉ nói lời của Thầy Giêsu mà thôi. Nghe lời Đức Giêsu trong tư thế tuân phục của người môn đệ, để rồi chỉ sống và nói theo điều đã được nghe dạy. Đó là người môn đệ đích thực, người môn đệ trung tín với Thầy.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn