Tính cộng đồng của đức tin - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên

Tính cộng đồng của đức tin - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên

Tính cộng đồng của đức tin - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên

Tính cộng đồng của đức tin

Is 7,1-9; Mt 11,20-24

Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên

16/07/2024

 

Khi liên quân của hai nước phía bắc là Israel và Syria tiến đánh vương quốc phía nam là Giuđa nhằm đòi buộc Giuđa hợp tác với họ chống lại đế quốc Assyria đang đe dọa vùng ấy. Đức Chúa sai tiên tri Isaia đến nói với Akhát vua Giuđa đừng tin vào thế lực loài người, nhưng chỉ tin vào Thiên Chúa mà thôi. Ông Isaia đã nhắc vua hai lần, nhưng nhà vua vẫn không đủ niềm tin và đứng về phía đế quốc Assyria cho sự an toàn của mình. Sau đó, đời sống tôn giáo của Giuđa được du nhập những yếu tố của tôn giáo thờ các thần linh của Assyria nhằm tìm kiếm sự an toàn.

Bản văn được trích đoạn hôm nay, có khi nói về vua Akhát nhưng lại không dùng tên vua, mà gọi là “nhà Đavít” (x. Is 7,2) nhằm nói lên rằng: vua Akhát không tin vào Đức Chúa, nhưng Ngài vẫn cứu giúp ông vì lời hứa bảo vệ dòng dõi vua Đavít. Từ đó, người ta nhận ra rằng niềm tin mang yếu tố liên đới, cộng đồng rất cao. Tiên tri Êdêkien sau này sẽ nói về trách nhiệm luân l‎ý của cá nhân, nhưng dù sao người ta vẫn phải nhìn nhận rằng chiều kích cộng đồng rất quan trọng đối với đức tin.

Người ta có được đức tin do cộng đồng và đức tin ấy cũng lớn lên cùng với cộng đồng. Sự xác tín cá nhân là điều không thể thiếu cho một đời sống trưởng thành, nhưng một đức tin trưởng thành cũng phải sống được chiều kích cộng đồng, chiều kích Giáo Hội.

Thế nhưng, điều oái oăm là đời sống đức tin lại gặp nhiều khó khăn với cộng đồng và từ cộng đồng. Sự khác biệt làm cho người này trở nên xung khắc với người kia. Nhưng đức tin trưởng thành phải giúp người ta biết cách đối diện với cộng đồng, đối diện với khác biệt của người khác. Coi cộng đồng như đối kháng với sự lớn lên của đức tin, để rồi đóng lại nơi chính mình, là chưa trưởng thành! Khi sống đức tin, khi nhân danh đức tin mà gây ra đối kháng, xung đột với người khác cũng là chưa trưởng thành. Không có đức tin “đơn thân độc mã”. Vậy thì tại sao không tìm cách để sống sự hài hòa với những người cùng niềm tin để tất cả cùng lớn lên và để cộng đồng ấy trở thành cộng đoàn đức tin? Biết sống hài hòa với những khác biệt làm cho đức tin của tín hữu trở nên trưởng thành.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn