Thờ phượng Cha trong Thánh Thần và Sự Thật - Kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Sàigòn

Thờ phượng Cha trong Thánh Thần và Sự Thật - Kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Sàigòn

Thờ phượng Cha trong Thánh Thần và Sự Thật -  Kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Sàigòn

THỜ PHƯỢNG CHA TRONG THÁNH THẦN VÀ SỰ THẬT

Is 56,1.6-7; Ga 4,19-24

Kỷ niệm cung hiến

Vương Cung Thánh Đường Sàigòn

09/12/2023

Trong lễ cung hiến thánh đường, các bài đọc nói về việc thờ phượng Thiên Chúa. Trích đoạn sách tiên tri Isaia nói về việc muôn dân sẽ tụ về núi Sion và dâng lễ thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Chương 56 nằm trong bối cảnh dân Do Thái mới hồi hương từ đất lưu dày Babilon. Các tiên tri thời hậu lưu đày cổ võ việc xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem đã bị phá bình địa.

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng Gioan thì đi xa hơn. Khi người phụ nữ Samaria nói đến chuyện dân Do Thái thờ phượng Thiên Chúa ở núi Sion, nơi có Đền Thờ Giêrusalem, còn dân Samaria của bà thì thờ phượng tại núi Garizim, thì Đức Giêsu xác định hai điều: thứ nhất là ơn cứu độ đến từ dân Do Thái (x. Ga 4,22), tức là đến từ Đức Giêsu; điều thứ hai là từ nay, điều quan trọng không phải là thờ phượng Thiên Chúa ở chỗ này hay chỗ kia, nhưng là thờ phượng Thiên Chúa trong “thần khí và sự thật” (x. 4,23-24). Điều này nghĩa là gì?

Từ “thần khí” được hiểu hai cách khác nhau nơi các bản dịch. Có bản in chữ thường (spirit, thần khí, tinh thần), có bản in chữ hoa (Spirit, Thánh Thần). Có điều là trước đó, Đức Giêsu đã nói: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4,24), thì điều này có nghĩa là “thần khí” đó thuộc về Thiên Chúa. Vậy, chúng ta có thể hiểu đó là thờ phượng trong Chúa Thánh Thần. “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4,6). Chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm cho con người nhận biết Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa cho đúng ý Ngài muốn. Việc thờ phượng ấy cũng phải trong sự thật được Chúa Giêsu dạy bảo, vì chính Ngài là “sự thật” (x. Ga 14,6).

Con đường “thờ phượng” hiện nay của Giáo Hội đang ở trong cách thức đó: đặt mình dưới sự soi sáng của Thánh Thần để hiểu lời Chúa Giêsu và thực hiện trong đời sống cá nhân cũng như đời sống Giáo Hội. Như thế, thờ phượng Thiên Chúa không dừng lại ở lễ nghi, nhưng phải được lan toả trong toàn bộ đời sống với thái độ lắng nghe, suy nghĩ và thực hành những soi sáng ấy.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn