Đối với kitô hữu, khi đọc Tin Mừng, hình ảnh ông Nicôđêmô như là một người Pharisêô lớn tuổi và đáng kính. Tuy nhiên, nếu xét về ảnh hưởng của ông giữa những người Pharisêô khác và với các vị lãnh đạo Do Thái, thì xem ra tiếng nói của ông không có ảnh hưởng mấy, vì ý kiến đòi xét xử Đức Giêsu phải đúng Lề Luật, liền bị bác bỏ (x. Ga 7,50-52)! Nhưng đó cũng là điều đáng suy nghĩ, vì người xem ra ít quyền thế lại là người có tâm hồn khiêm tốn, nhạy bén. Điều này thể hiện qua câu nói của ông với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3,2). Hy vọng rằng danh xưng số nhiều “chúng tôi” ở đây diễn tả một số người nào đó, chứ không thuần túy là một cách nói. Và trước sự nhận biết ấy như là mở đầu của đức tin của ông Nicôđêmô, Đức Giêsu đã đưa ông đi xa hơn: cần được sinh ra bởi Thánh Thần.
Khi Đức Giêsu nói rằng: muốn vào Nước Thiên Chúa thì phải được sinh lại “bởi trên cao”, thì ông Nicôđêmô không hiểu, nên Đức Giêsu giải thích thêm: nghĩa là cần được sinh ra bởi nước và Thánh Thần. Trong Thánh Kinh, nhiều phen nước và Thánh Thần được đồng hóa với nhau. Có người cho rằng khi viết câu này, tác giả Gioan nghĩ đến bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thần. Có thể đó cũng là ý hay. Tuy nhiên, phải hiểu rằng trong bí tích Thánh Tẩy, kitô hữu cũng được đón nhận Thánh Thần và Thánh Thần đưa kitô hữu vào đời sống mới. Nếu chỉ nhìn bí tích Thánh Tẩy như một nghi thức đã lãnh nhận ở trong quá khứ, thì chưa xong việc tái sinh này, bởi vì việc tái sinh phải được thực hiện suốt hành trình đời người.
Sinh ra bởi Thánh Thần thì trở nên tự do: “như gió muốn thổi đâu thì thổi, nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Một con người “bài bản” quá, bắt mọi sự phải theo quy luật, phải diễn ra theo trình tự đã quen thuộc và đòi phải có được kết quả như dự tính, thì người ấy đang lấy mất sự tự do của Thánh Thần. Cuối cùng, kết quả đó chẳng có tí tính chất thần linh nào cả, mà chỉ là một thứ tôn giáo mang tính con người, chỉ là một thứ đạo đức mang tính chất thành tích cá nhân! Được sinh ra bởi Thánh Thần là có khả năng đọc được hoạt động tự do của Thánh Thần, là để cho mình được Thánh Thần dẫn tay đi chứ không phải là “cầm đèn đi trước” Thánh Thần! Và như thế, sống theo Thánh Thần không bao giờ là chuyện của quá khứ cả, nhưng luôn luôn là việc của hiện tại và luôn mở ra cho một tương lai còn chưa được xác định. Đó là sự tái sinh liên tục, là sự sống luôn luôn mới.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn