TGPSG -- Lắng đọng để nối kết với chính mình. Chia sẻ để nối kết với tha nhân. Tri ân để nối kết với Thiên Chúa.
Sau lễ chia tay các thiện nguyện viên (TNV) tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình (2F Nguyễn Hiến Lê, phường 13, Tân Bình), chúng tôi lên đường đến Tu hội Foyer Bác Ái Cao Thái để cách ly, nghỉ ngơi theo thời hạn y tế trong một tâm trạng vui tươi, thoải mái và hạnh phúc! Dẫu vậy, sâu thẳm trong cõi lòng là những nỗi nhớ, nhớ các bệnh nhân Covid-19, nhớ các bạn TNV, nhớ các y bác sĩ, nhân viên y tế, nhớ các chú bảo vệ, nhớ những chị lao công, nhớ hình ảnh của những chiếc áo phòng hộ trắng toát và nhớ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thân thương.
Những vần thơ về tình yêu của Thế Lữ có thể diễn tả chút tâm trạng này: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.” Có người hai tháng, có người hơn một tháng phục vụ bệnh nhân Covid-19, thời gian không quá ngắn, cũng chẳng lâu, nhưng đã lưu giữ trong tôi, các linh mục, tu sĩ và những anh chị em thiện nguyện tuyến đầu những ký ức, những kỷ niệm khó quên, trong đó, có những kỷ niệm khó diễn tả thành lời.
Để những tâm tình, ưu tư và trải nghiệm của các TNV được lan tỏa cho nhau một cách hệ thống, tích cực và cụ thể, chúng tôi đã may mắn được Cộng đoàn Foyer Cao Thái tổ chức “Chương trình Hậu Thiện nguyện: Hồi Tưởng - Nối Kết - Biết Ơn - Chia Sẻ” do cha Nguyễn Trọng Sơn khởi xướng, vào sáng Chúa Nhật (17/10/2021). Thời gian quý báu này, chúng tôi cùng ngồi lại để lắng nghe những tâm tư, kinh nghiệm khác biệt của nhau, để từ đó, bổ túc và làm giàu thêm chút hành trang trên hành trình dâng hiến.
“Lắng đọng để nối kết với chính mình. Chia sẻ để nối kết với tha nhân. Tri ân để nối kết với Thiên Chúa.” Đó là khẩu hiệu mà Ban Tổ chức đã trao gửi cho chúng tôi. Khẩu hiệu ý nghĩa, rõ ràng, và súc tích để cho chúng tôi biết phân định, chọn nhớ, chọn buông bỏ những gì không cần thiết và cách riêng, mỗi người cần nhận thấy nơi bản thân và công việc phục vụ thiện nguyện này được đặt trong ba mối tương quan: với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Buổi chia sẻ diễn ra trong bầu khí ấm cúng và tôn trọng.
Câu nói của một tu sinh Phanxicô, trong nhóm chia sẻ khiến tôi xúc động! Em bộc bạch cách chân thành rằng: “Trong khi em đang đứng cạnh một bệnh nhân đang hấp hối, người đó nắm chặt lấy tay em! Em thấy sợ! Nhưng em vẫn để cho người đó nắm tay mình, dường như bệnh nhân đó đang muốn níu kéo một niềm hy vọng! Từ cử chỉ đó, em cảm nhận được sự đau khổ của người đó nơi chính bản thân mình”. Quả là một trải nghiệm ý nghĩa! Một sự đồng cảm, liên đới và đầy tình yêu!
Thời gian cách ly ở Cộng đoàn Foyer Cao Thái cũng cận kề kết thúc, thế nhưng, nhiều người trong chúng tôi vẫn còn cụ thể nỗi nhớ của mình bằng cách liên kết, dâng lễ, cầu nguyện với và cho những người có liên quan, đó là: những bạn hữu trong lĩnh vực y tế, những thiện nguyện viên, những thân nhân của bệnh nhân, những người phục vụ bệnh nhân cách này hay cách khác và những bệnh nhân còn sống hay đã qua đời! Để qua những kỷ niệm có được trong thời gian qua, sẽ giúp chúng tôi biết trân quý và mang theo bên mình, ngõ hầu bản thân sống vui vẻ, tích cực và hữu ích hơn cho những chặng đường sắp tới.
Xin tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau vì những ngày tháng hồng ân, vì những kỷ niệm, kí ức vui buồn. Niềm vui gặp gỡ, niềm vui trong các mối tương quan, niềm vui được phục vụ, niềm vui được trao ban, niềm vui được nhận lãnh qua những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười! Tạ ơn và xin lỗi vì cả những nỗi buồn, khi mọi người phải bất lực chứng kiến những bệnh nhân từ giã cõi trần, để cuối cùng giúp tôi chân nhận và xác tín rằng, chỉ có Chúa là nơi tôi nương tựa vững bền, như lời Thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 61,2).
Cao Thái ngày 19/10/2021
Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD