Nói những lời khó nghe và nghe những lời khó nói ! - Thứ Bảy Tuần II - Mùa Vọng

Nói những lời khó nghe và nghe những lời khó nói ! - Thứ Bảy Tuần II - Mùa Vọng

Nói những lời khó nghe và nghe những lời khó nói ! - Thứ Bảy Tuần II - Mùa Vọng

NÓI NHỮNG LỜI KHÓ NGHE VÀ NGHE NHỮNG LỜI KHÓ NÓI !

Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13

Thứ Bảy Tuần II - Mùa Vọng

16/12/2023

Trong tiếng Việt, cụm từ “những lời khó nghe” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, tức là những lời chói tai, những lời lẽ không được cân nhắc do nóng nảy, bực tức mà thốt ra. Tôi muốn dùng cụm từ này theo hai hướng tiêu cực và tích cực.

Theo nghĩa tiêu cực, những lời khó nghe được thốt ra do thiếu kiềm chế cảm xúc, do từ đam mê, giận ghét, do từ lòng cay nghiệt, do tự ái… Cũng có khi những lời khó nghe thốt ra từ miệng những người có lòng tốt, nhưng do không biết cách nói nên làm người nghe khó chịu!

Trước những lời khó nghe này, người ta vẫn nên nghe. Thái độ biết nghe này do từ sự hiểu biết mà ra: hiểu biết lòng người. Nếu do từ ác tâm của người khác thì ít ra mình cũng biết lòng những người quen biết của mình như vậy đó, chấp nhất làm gì. Ai cũng có giới hạn mà! Tội nghiệp người nói, vì họ đang bị đam mê làm tâm họ bất an. Còn nếu do thiện tâm nhưng không biết cách diễn đạt, thì người nghe hiểu được tâm của người nói để không trách móc họ làm gì. Trong cả hai trường hợp, người nghe hiểu biết hơn về bản thân để tìm điều gì tốt hơn cho mình.

Theo nghĩa tích cực, những lời khó nghe là những lời chạm đến cái sai, cái kém của mình! Tự ái khiến người ta cảm thấy nghịch nhĩ! Nếu như thế thì người nói phải cố gắng, đắn đo lắm khi nói, bởi vì những lời ấy làm buồn lòng người nghe. Vậy thì đó là những lời khó nói! Ông Gioan trong vai trò của Êlia và Đức Giêsu là những người phải nói những lời khó nói này, nên hai vị bị người nghe phản kháng và loại trừ! “Ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12)

Đứng trước những lời khó nghe này, người nghe cũng cần hiểu biết. Hiểu biết cái khó của người nói để cám ơn họ và để tỏ thiện chí khi nghe lời sửa sai. Và nhất là hiểu biết bản thân mình. Đây là những lời mang lại hoa trái cho người nghe nếu biết đón nhận, nhưng cũng có thể mang lại nhiều điều tiêu cực nếu phản kháng! Biết lắng nghe đưa đến nhiều khả năng đón nhận được soi sáng và thúc đẩy của Thánh Thần.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn