Những mục tử trao ban cuộc sống là niềm hy vọng cho thế giới - Chúa Nhật Tuần IV - Mùa Phục Sinh C

Những mục tử trao ban cuộc sống là niềm hy vọng cho thế giới - Chúa Nhật Tuần IV - Mùa Phục Sinh C

Những mục tử trao ban cuộc sống là niềm hy vọng cho thế giới - Chúa Nhật Tuần IV - Mùa Phục Sinh C

Những mục tử trao ban cuộc sống là niềm hy vọng cho thế giới

− Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30

Chúa Nhật Tuần IV - Mùa Phục Sinh C,

Ngày cầu nguyện cho ơn gọi, 11/05/2025

Sứ điệp cho Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô lấy chủ đề: “Những người hành hương hy vọng: quà tặng sự sống”. Đức Thánh Cha viết sứ điệp này khi đang điều trị trong bệnh viện, kỳ điều trị cuối cùng kết thúc bằng cái chết vào Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh 21/04/2025. Với nội dung sứ điệp về cuộc sống của mục tử và với cuộc đời và cái chết của Đức Thánh Cha như là vị mục tử, tôi thấy sứ điệp này sống động hơn.

Chúa Giêsu nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11). Dấu hiệu của vị mục tử đích thực là hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Tuy nhiên, vị Mục Tử tối cao này không chỉ hiến mạng sống trên thập giá mà còn trao ban toàn bộ cuộc sống cho con người. Điều này cũng được thể hiện nơi con người, nơi toàn bộ đời sống của Đức Phanxicô. Cuộc đời chủng sinh, linh mục, giám mục và giáo hoàng của Đức Phanxicô thể hiện điều này và chỉ kết thúc với cái chết của ngài. Một ngày trước khi qua đời, Chúa Nhật Phục Sinh 20/04, ngài còn xuất hiện để chúc mừng lễ Phục Sinh mọi người; sau đó, trên chiếc xe quen thuộc, ngài còn đến với dân Chúa ở quảng trường phía dưới.

Ơn gọi mục tử bao gồm mọi kitô hữu và cách riêng là các linh mục. Mọi kitô hữu đều mang sứ vụ mục tử. Đó là cách trình bày của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II về sứ vụ mà trước kia người ta gọi là “vương đế”. Mỗi kitô hữu đều được mời gọi trao ban cuộc sống mình cho người khác. Và phải chăng điều này là lời mời gọi các kitô hữu bức thiết hơn bao giờ hết trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng lớn lên và thống trị cách suy nghĩ, cách chọn lựa, cách hành xử con người. Và do đó, lối sống này trở nên niềm hy vọng cho thế giới hôm nay. Lối sống ích kỷ trở thành "gót chân Achilles" của con người hôm nay. Thành ngữ này có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, mang ý nghĩa là điểm yếu chí mạng của một người, dù họ có vẻ mạnh mẽ hay bất khả chiến bại. Như vậy, lối sống biết trao ban cuộc sống cho người khác là cách chữa lành điểm yếu ấy của con người và là lời mọi gọi mọi kitô hữu, nhất là các linh mục.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn