Tai, mắt, miệng và lòng không cắt bì!
Cv 7,51 - 8,1a; Ga 6,30-35
Thứ Ba Tuần III - Mùa Phục Sinh, 06/05/2025
“Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.” (Cv 7,51).
Ông Stêphanô chỉ nói đến lòng và tai không cắt bì, nhưng vì bài Tin Mừng hôm nay nói đến những người không chịu tin nên lên tiếng thách thức Đức Giêsu làm một dấu lạ từ trời. Hơn nữa những lời thách thức này lại xảy ra sau khi Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, mắt họ đã chứng kiến, nhưng họ vẫn cứ thách thức, vẫn không tin nhận Đức Giêsu. Để diễn tả thái độ cứng đầu cứng cổ, ông Stêphanô dùng từ “không cắt bì”. Và vì thế mà tôi thêm vào: tai, mắt, miệng lưỡi không cắt bì. Tai, mắt, miệng ấy nói lên một tình trạng sâu xa hơn là chính lòng họ không muốn đón nhận Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài, cũng không cắt bì nên diễn tả ra bằng tai, mắt, miệng.
Cắt bì không chỉ là một hình thức, một nghi lễ bên ngoài, nhưng là biểu tượng nói lên tình trạng thuộc về Thiên Chúa. Họ trở thành dân của Chúa, sống theo luật Chúa, đón nhận lời Chúa dạy bảo qua các tiên tri. Còn không cắt bì có nghĩa là lòng họ không muốn đón nhận, chỉ muốn sống theo đam mê của mình. Vì thế mà tai nghe nhưng không đón nhận, mắt nhìn mà không chịu tin, miệng thì chỉ nói lời phản kháng, chỉ trích, lên án chính Người Con mà Thiên Chúa sai đến nói lời của Ngài.
Với người Do Thái, không cắt bì được coi là vô đạo. Còn với những người không học biết về Lề Luật thì họ gọi là “dân thuộc về đất/ về thế gian” (people of the earth/ ‘am hāāretz). Còn những người được dạy dỗ trong Lề Luật thì được gọi là “dân thánh” (holy people/ ‘ām kōdesh), là “dân thuộc về Đấng Thánh” (x. Ellicott's Commentary for English Readers, trong https://biblehub.com/ commentaries/john/7-49.htm). Nhưng thực ra, những điều đó còn ở bên ngoài, dựa vào dấu hiệu cắt bì trên thân xác hay dựa vào kiến thức về Lề Luật. Điều làm cho người ta thực sự thuộc về Chúa thì ở nơi lòng trí và ở những thái độ diễn tả lòng muốn đón nhận lời dạy bảo của Thiên Chúa.
Vậy thì, nếu người ta từ khước không đón nhận những lời dạy bảo của Chúa, từ khước những thúc đẩy của Thánh Thần trong lòng, thì dù có đạo, người ta vẫn là kẻ vô đạo! Đây là điều mà mỗi tín hữu cần phải suy nghĩ lại về chính mình và cộng đoàn của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn