Thiên Chúa loại trừ hay bị loại trừ?
Cv 8,1b-8; Ga 6,35-40
Thứ Tư Tuần III - Mùa Phục Sinh, 07/05/2025
Trong bố cục của sách Công Vụ, việc chọn các phó tế như một bản lề để bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn trước đó nổi bật vai trò của các tông đồ với cộng đoàn kitô hữu ở Giêrusalem. Khi số các tín hữu trở nên đông đảo thì nẩy sinh những vấn đề mới, ví dụ việc phục vụ cho các tín hữu bị thiếu sót. Cơ chế bắt đầu thay đổi: các tông đồ cần sự trợ giúp của người khác và các phó tế được thiết lập. Ai ngờ những khó khăn, những trách móc giữa cộng đoàn này lại là một khởi đầu mới. Các phó tế không dừng lại ở việc phục vụ bàn ăn, nhưng còn phục vụ việc rao giảng lời Chúa. Niềm tin kitô giáo còn được lan rộng ra với cuộc bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu Kitô, bắt đầu từ việc bắt bớ các phó tế. Các kitô hữu đi đến đâu thì loan báo Tin Mừng phục sinh đến đấy. Những kitô hữu có văn hoá Hy Lạp thì loan báo cho cả những người dân ngoại thuộc văn hoá này. Đây là bước đi hoàn toàn mới mẻ đối với Giáo Hội thời sơ khai. Đúng là với bàn tay Thiên Chúa thì những điều tưởng là bất lợi, là khó khăn, lại trở nên cơ hội cho những điều mới mẻ. Chỉ cần những người tin biết cách nhìn tích cực về những khó khăn và tin tưởng vào Thiên Chúa thì những chân trời mới được mở ra. Nếu bị bắt bớ mà họ sợ hãi, co cụm lại, nếu họ sợ hãi không dám vượt qua truyền thống đạo nghĩa đóng kín nơi người Do Thái, thì họ không chứng kiến được những điều lạ lùng do bàn tay Thiên Chúa.
Chính con người loại trừ Thiên Chúa, còn Thiên Chúa thì luôn mở ra những chân trời mới cho con người, những chân trời càng ngày càng rộng mở. Chính con người khước từ những cơ hội mới ngay trong những khó khăn do lối suy nghĩ, lối sống đạo đóng kín, thủ thế, an toàn, chứ Thiên Chúa thì luôn mở ra những chân trời mới mà con người không thể ngờ tới!!! Thiên Chúa thật là kỳ diệu nếu con người mở ra cho Thiên Chúa.
Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan cho thấy Ngài đến để cứu độ con người và thánh ý Chúa Cha là không để mất một ai. Đức Giêsu đã không loại trừ ai, chỉ có con người loại trừ nhau và loại trừ Thiên Chúa mà thôi. Nói cách khác, khi con người loại trừ Thiên Chúa đích thực, chỉ muốn giữ lại vị Thiên Chúa theo như họ nghĩ, thì họ sẽ đi đến thái độ loại trừ người khác. Điều này có nghĩa là vị mà họ gọi là Thiên Chúa thực ra là chính bản thân họ. Vì thế, ai không nghĩ và sống theo ý họ thì họ loại trừ như thể họ chính là Thiên Chúa với thẩm quyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa không như thế! Thiên Chúa thì khác! Thiên Chúa là Đấng cứu độ, cứu độ cho đến cùng!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn