"Nghe các ông hay nghe Thiên Chúa" - Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

"Nghe các ông hay nghe Thiên Chúa" - Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

"Nghe các ông hay nghe Thiên Chúa" - Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

“NGHE CÁC ÔNG HAY NGHE THIÊN CHÚA ?”

Cv 4,13-21; Mc 16,9-15 

Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, 15/04/2023

Cách nay hai ngày, tôi có cho rằng mình sai khi coi ông Phêrô là dân lao động ít học. Nhưng trong bài sách Công Vụ hôm nay thì các vị thủ lãnh, kỳ mục, kinh sư nói rõ rằng ông này và ông Gioan là những người “không có chữ nghĩa” (4,13). Một số bản dịch tiếng Anh ghi là “unschooled”, không có trường lớp, unlettered, không có chữ nghĩa gì cả! Như vậy, nên hiểu thế nào cho đúng, bởi vì với Tin Mừng và ba lá thư, ông Gioan cũng không phải là tay vừa; còn ông Phêrô cũng không phải hạng thường đâu, như chúng ta đã suy nghĩ hôm trước?!

Khi những anh lính được sai đi bắt Đức Giêsu trở về tay không và nói rằng họ chưa thấy ai nói năng như Người, thì những vị lãnh đạo và các Pharisêô khinh khi và nói với các anh lính: “Bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7,49). Họ gọi đám đông, những người không học hỏi Lề Luật như họ là dân dốt nát, dân đen. Và còn hơn nữa, với anh mù từ khi lọt lòng mẹ, họ cho anh là tội nhân và dốt nát. Trong khi họ tìm cách để kết án Đức Giêsu vì đã chữa anh khỏi mù, thì anh lại nói rằng nếu Người không bởi Thiên Chúa mà đến thì không thể chữa cho anh lành bệnh được. Lúc ấy, những vị lãnh đạo mắng lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9,34).

Như vậy, việc họ gán cho hai ông Phêrô và Gioan là người dốt nát có nghĩa là hai ông này không học Lề Luật theo trường lớp như họ và không hiểu Lề Luật như họ hiểu. Như thế, khi ông Phêrô hỏi rằng: đâu là điều phải lẽ, nghe lời các ông hay nghe lời Thiên Chúa (x. Cv 4,19), thì điều này đi xa hơn nhiều. Các môn đệ nghe theo lời Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, nhất là khi Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Còn các vị lãnh đạo kia chỉ hiểu Lời Chúa theo ý của họ, theo đam mê của họ, nên các môn đệ không thể nghe theo họ được!

Trong đời sống của các cộng đoàn đức tin, người ta cũng có nguy cơ tự cho mình là hiểu biết, là nắm giữ quyền hành thần linh, bắt người khác làm theo ý mình, nhưng bên dưới là ý muốn cá nhân, là chương trình, kế hoạch nhằm khẳng định bản thân. Những người xem ra bé nhỏ hơn, khiêm tốn, đơn sơ hơn lại nhạy bén với con đường của Thiên Chúa. Không phải người thông thái, nhưng là người khiêm hạ mới là đối tượng của mạc khải thần linh (x. Mt 11,25).

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn