Lời loan báo phục sinh của chứng nhân
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Chúa Nhật Phục Sinh C, 20/04/2025
Chúa Giêsu phục sinh dạy những ai tin vào Ngài hãy loan báo tin vui phục sinh, nhưng đó phải là lời loan báo của những chứng nhân. Các tông đồ nói rõ họ là những người đã cùng ăn cùng uống với Đấng phục sinh (x. Cv 10,41). Ông Phêrô nói cùng ăn cùng uống vì đó là dấu chỉ Đấng phục sinh là người thật, người đã bị giết chết và nay đang sống. Lời chứng của bà Maria Mácđala cũng từ chỗ: “tôi không biết họ để Người ở đâu!” (Ga 20,13) đi đến chỗ có thể nói: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18) sau khi được chính Đấng phục sinh hiện ra với bà (x. Ga 20,14-17). Lời loan báo phục sinh luôn là lời của những chứng nhân.
“Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10,40-41).
Tuy nhiên, việc Đấng phục sinh không hiện ra với mọi người, mà chỉ với những người được tuyển chọn, sẽ đi đến trường hợp là lời loan báo sẽ không còn là của chứng nhân nữa! Với các kitô hữu thời đó nhưng không ở trong số những người được tuyển chọn này hoặc các kitô hữu thời sau đó, tức là chúng ta, thì sao? Vì không còn là chứng nhân nữa, vậy chúng ta có thể có lời loan báo có giá trị về sự phục sinh của Chúa Kitô không?!
Câu trả lời đầu tiên là chúng ta vẫn đang đi theo giáo lý tông truyền, vẫn đang đi theo lời chứng của các tông đồ. Câu trả lời thứ hai là Đức Kitô phục sinh là Đấng đang sống, vì thế, người ta có thể gặp gỡ Ngài mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Vấn đề ở đây là trong đời sống đức tin, các kitô hữu có lưu tâm đến việc gặp gỡ cá vị và cộng đồng với Ngài không, hay chỉ dừng lại ở một số luật lệ, một số lễ nghi. Nếu thế thì lời loan báo của chúng ta sẽ không đáng tin tưởng lắm, không có giá trị loan báo tin vui, bởi vì chính bản thân các kitô hữu có vui đâu, niềm vui phục sinh có sống động để làm thay đổi cuộc đời của các kitô hữu đâu! Nếu như thế thì lời loan báo của các kitô hữu không có giá trị thuyết phục vì không có sự biến đổi nơi cuộc sống của những người tin vào Đức Kitô phục sinh. Thời đầu của lịch sử Giáo Hội ở Giêrusalem và thời đầu của lịch sử Giáo Hội Việt Nam, người ta nhìn thấy các kitô hữu yêu thương nhau và chia sẻ của cải cho nhau, nên người ta được thuyết phục để tin theo Chúa Kitô, tin vào sự phục sinh của Ngài. Như vậy, một đời sống được biến đổi bởi niềm tin phục sinh là câu trả lời thứ ba. Sự phục sinh của Chúa Kitô không dừng lại ở một kiến thức giáo lý, nhưng cần ảnh hưởng đến cuộc sống của những người tin. Vậy mỗi người hãy tự hỏi: nơi tôi, niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô đang dừng lại ở kiến thức, ở lễ nghi, hay đang biến đổi cuộc sống tôi từng ngày? Nếu niềm tin này không biến đổi cuộc sống và cuộc đời của tín hữu, thì Chúa Kitô sống lại không mang lại lợi ích bao nhiêu cho họ!!!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn