Kinh Truyền Tin 27/7: Kinh Lạy Cha – Lời cầu nguyện hiệp nhất mọi Kitô hữu

Kinh Truyền Tin 27/7: Kinh Lạy Cha – Lời cầu nguyện hiệp nhất mọi Kitô hữu

Kinh Truyền Tin 27/7: Kinh Lạy Cha – Lời cầu nguyện hiệp nhất mọi Kitô hữu

Trưa Chúa Nhật ngày 28/7, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô cùng với các tín hữu. Trước khi đọc Kinh, ngài đã có một bài suy tư ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 17 thường niên về Kinh Lạy Cha.

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ kinh Lạy Cha (x. Lc 11,1-13): lời cầu nguyện hiệp nhất mọi Kitô hữu. Trong lời kinh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa và thân thưa với Người là “Abba”, “Cha ơi”, như những đứa con nhỏ, với “tâm hồn đơn sơ […], lòng tín thác của người con, […] sự mạnh dạn và xác tín rằng mình được yêu thương” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2778).

Sách Giáo lý cũng khẳng định cách thật đẹp rằng: “Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta nhận ra chính mình, đồng thời cũng nhận ra Chúa Cha” (số 2783). Thật vậy, càng cầu nguyện với lòng tín thác cùng Cha trên trời, chúng ta càng nhận ra mình là những người con được yêu thương và càng hiểu biết hơn về tình yêu cao cả của Người (x. Rm 8,14-17).

Hơn nữa, đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy những nét đặc trưng nơi tình phụ tử của Thiên Chúa qua các hình ảnh đầy ấn tượng: hình ảnh một người sẵn lòng thức dậy giữa đêm khuya để giúp bạn mình tiếp đón một vị khách bất ngờ; hoặc hình ảnh một người cha luôn quan tâm và cho con mình những điều tốt lành.

Những hình ảnh đó nhắc nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ ngoảnh mặt khi chúng ta hướng về Người, cho dù chúng ta đến gõ cửa quá trễ, có thể sau nhiều lỗi lầm, cơ hội bị đánh mất hay thất bại; thậm chí nếu để đón tiếp chúng ta, Người phải “đánh thức” cả những người con đang ngủ ngon trong nhà (x. Lc 11,7). Trái lại, trong đại gia đình Giáo Hội, Chúa Cha không ngần ngại để mọi người cùng được tham dự vào từng cử chỉ yêu thương của Người. Thiên Chúa luôn lắng nghe lời chúng ta cầu nguyện. Nếu đôi khi Người trả lời với thời gian hoặc cách thức khó hiểu, thì đó là vì Người hành động với sự khôn ngoan và quan phòng cao cả vượt xa khả năng hiểu biết của chúng ta. Vì thế, ngay cả trong những lúc như thế, đừng ngừng cầu nguyện, và hãy cầu nguyện với lòng tín thác: nơi Người, chúng ta luôn tìm thấy ánh sáng và sức mạnh.

Tuy nhiên, khi đọc Kinh Lạy Cha, ngoài việc cử hành hồng ân được làm con Thiên Chúa, chúng ta cũng bày tỏ quyết tâm đáp lại hồng ân ấy bằng cách yêu thương nhau như anh chị em trong Đức Kitô. Một vị Giáo phụ đã nói: “Khi gọi Thiên Chúa là ‘Cha chúng con’, chúng ta cũng phải nhớ bổn phận sống như những người con” (Thánh Cyprianô thành Carthage, De dominica Oratione, 11); một vị khác thêm rằng: “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân hậu nếu trong lòng vẫn giữ sự độc ác và vô cảm; bởi như thế, anh em không còn mang hình ảnh tốt lành của Chúa Cha trên trời nơi chính mình nữa” (Thánh Gioan Kim Khẩu, De angusta porta et in Orationem dominicam, 3). Không thể cầu nguyện với Thiên Chúa là “Cha” rồi lại cứng lòng và thờ ơ với tha nhân. Trái lại, cần để lòng nhân hậu, sự kiên nhẫn và lòng xót thương của Người biến đổi chúng ta, để chính cuộc sống của chúng ta trở nên phản chiếu dung nhan Người như một tấm gương.

Anh chị em thân mến, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta, trong cầu nguyện và bác ái, hãy cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương và hãy yêu thương như Người yêu thương: một cách sẵn sàng, tế nhị, biết quan tâm lẫn nhau, không tính toán. Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria giúp chúng ta đáp lại lời mời gọi ấy, để có thể diễn tả cho thế giới thấy sự dịu hiền của khuôn mặt Chúa Cha.