Điều mà tín hữu chờ đợi nơi thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh là nghe bài Tin Mừng về việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, nhưng Giáo Hội lại cho nghe đoạn trích Tin Mừng Gioan về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, bởi vì bài đọc 2 trích từ thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, đã kể về việc lập bí tích Thánh Thể rồi! Phụng vụ muốn nối kết hai bài này lại vì chúng bổ túc cho nhau và đưa tín hữu đi xa hơn. Ý nghĩa của bí tích Thánh Thể không thể tách khỏi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Nói cách khác, cuộc hiến tế mang ý nghĩa bí tích trên bàn thờ được thể hiện cách cụ thể nơi thập giá Chúa Giêsu Kitô. Việc Chúa Giêsu cởi bỏ áo choàng diễn tả cả hai điều ấy.
Cả bí tích Thánh Thể và thập giá đều hướng về cái chết của Chúa Giêsu Kitô, và điều đó được diễn tả nơi việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu lột bỏ áo choàng với ý nghĩa từ bỏ mạng sống mình, bởi vì với người nghèo ở nước Do Thái, chiếc áo choàng bảo vệ mạng sống cho họ vào ban đêm lạnh giá. Vậy, hành vi cởi bỏ áo choàng ấy mang ý nghĩa của cái chết thập giá. Chúa Giêsu chết trên thập giá đã bị người ta lột bỏ không còn manh áo nào!
Chúa Giêsu lột bỏ áo choàng để rửa chân cho các môn đệ. Đó là hành vi hạ mình, bởi vì đó là việc của người nô lệ trong nhà. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mang ý nghĩa sâu xa là sự hạ mình của một vị Thiên Chúa, và Ngài phục vụ cho sự sống con người bằng chính việc trao ban mạng sống của mình. Hạ mình và yêu thương, đó là ý nghĩa của cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu.
Việc lột bỏ của cái chết thập giá còn mang ý nghĩa khác nữa, đó là sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Nơi vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã không chọn lựa ý mình là dừng lại, nhưng chọn thánh ý Chúa Cha là làm chứng về tình yêu cho đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Khi nhập thể, Ngôi Lời đã muốn đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa (x. Hr 10,9).
Như vậy, hành vi lột bỏ áo choàng của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa: là cái chết thập giá, là sự tự hạ, là tình yêu thương dành cho con người, và cuối cùng là sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói: nếu hiến cả mạng sống mà không có đức ái thì chẳng ích gì (x. 1Cr 13,3)! Đời sống của kitô hữu được coi là đạo đức cũng lắm khi hy sinh nhiều lắm, nhưng không ít khi họ dừng lại ở niềm kiêu hãnh về chính mình; dấn thân nhiều lắm, nhưng chỉ để thực hiện ý mình, dù ý tưởng đó có vẻ tốt lành cũng không đương nhiên là ý Chúa. Vì bảo vệ ý riêng nên sinh ra cự cãi, loại trừ nhau! Lòng đạo đức của một người làm tổn thương nhiều người! Dừng lại ở cái chết, ở sự hy sinh thì không đủ, nhưng cần đến ý nghĩa bên dưới, đó mới là cùng chết với Chúa Kitô!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn