Sau hai trình thuật về tình yêu thương, hiệp nhất và lòng quảng đại trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai ở các chương 2 và 4, bây giờ, ở các chương 5 và 6, tác giả sách Công Vụ cũng ghi nhận một “sự rạn nứt” nào đó của lòng yêu mến ngay giữa cộng đoàn: hai vợ chồng Khanania và Xaphira đã tính toán hơn thiệt nên che giấu bớt tài sản cho riêng mình trong khi vẫn tỏ vẻ là dâng cúng tất cả (x. Cv 5,1-10); rồi đến những người phụ trách phân phối lương thực trong cộng đoàn đã có đầu óc phe phái khi dành ưu tiên cho những tín hữu là người cư ngụ trong nước, trong khi bỏ quên những tín hữu cư trú ở nước ngoài về (x. Cv 6,1). Những xích mích này có lẽ không nhỏ, khiến cho các tông đồ phải triệu tập toàn thể tín hữu để giải quyết. Thời đó tín hữu được gọi là môn đệ.
Chính trong những đổ vỡ ấy mà các tông đồ phải hoàn thiện cách tổ chức cộng đoàn. Các ông phân định đâu là trách nhiệm mà các ông không thể bỏ được là việc cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Và các ông cũng biết mình bị giới hạn nên cần đến sự trợ giúp của người khác. Việc chọn 7 phó tế là những Do Thái kiều nói tiếng Hy Lạp cho thấy cái nhìn của họ đã mở ra, đón nhận sự đa diện, đón nhận những người có văn hoá khác biệt. Khi biết cách đối diện với những đổ vỡ, Giáo Hội lại lớn lên, lại trưởng thành, lại đón nhận nhau. Và Công Vụ ghi nhận tình hình sau vụ giải quyết ấy là: “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.” (Cv 6,7).
Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình ra khỏi những giây phút huy hoàng của chuyện hoá bánh ra nhiều, nên thúc các ông lên thuyền. Nhưng khi ra khơi, các ông không thấy Chúa Giêsu ở với mình, lại gặp sóng gió, các ông sợ hãi. Nhưng Chúa Giêsu đến bên và nói: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6,20). Những khi Giáo Hội gặp sóng gió, các tín hữu sợ hãi, nhưng hãy tin rằng Chúa Giêsu Kitô vẫn ở bên Giáo Hội. Các môn đệ muốn Chúa Giêsu lên thuyền, muốn “nắm giữ” lấy Thầy cho an tâm, nhưng không được, vì thuyền đã đột nhiên vào tới bờ như một phép lạ. Giáo Hội cũng muốn “nắm lấy” Chúa, nhưng chính trong những khó khăn, khủng hoảng mà Giáo Hội lớn lên, các thành phần biết đón nhận nhau và hợp tác với nhau. Luôn luôn Giáo Hội có thể tin tưởng rằng có Chúa Kitô ở bên cạnh mình.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn