Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài hoàn toàn tự do với cuộc bách hại của người Do Thái. Họ không làm gì được Ngài, nhưng Ngài chấp nhận cuộc bách hại đó để đi cho đến cùng chương trình của Chúa Cha là muốn diễn tả tình yêu thần linh dành cho con người. Khi chấp nhận đi vào con đường thập giá ấy, Đức Giêsu nói lên lòng yêu mến của Ngài dành cho Chúa Cha (x. Ga 14,30-31a).
Hai ông Barnaba và Phaolô cũng sẵn sàng chấp nhận cuộc bách hại do lòng ghen ghét của những người Do Thái ở những nơi các ngài đi qua.
Những gian khổ trong đời sống con người, có khi là điều khách quan không thể tránh khỏi, nhưng cũng có khi do sự tình nguyện, do sự dấn thân. Điều thứ hai là không có, nếu người ta không có lòng yêu mến; còn với điều thứ nhất, người ta có thể đối diện bằng lòng yêu mến hay bằng sự phản kháng, càm ràm và gây ra những đổ vỡ lớn hơn, những tai họa lớn hơn nữa!
Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn cuộc sống của Ngài với lòng yêu mến dành cho Chúa Cha và cho con người. Do từ tình yêu đó mà có ơn cứu độ cho con người. Vậy thì, về phía con người, cuộc đời của mỗi người và những người chung quanh sẽ tùy thuộc vào cách người ta đối diện với nó: nếu chỉ là ghen ghét, tham vọng, đấu đá, trả đũa, hằn học với nhau, thì chỉ có đổ vỡ, và hỏa ngục đã có ngay ở cuộc đời này. Còn nếu bắt chước Chúa Giêsu để biết đối diện với cuộc đời và với tha nhân bằng lòng yêu mến, người ta đón nhận được tình yêu cứu độ của Chúa cho chính mình và chuyển tình yêu cứu độ thần linh đến cho tha nhân ngay từ cuộc sống cụ thể. Họ đang xây dựng Nước Thiên Chúa ngay từ cuộc sống hôm nay và từ cuộc sống từng ngày. Chính khi biết đối diện với gian khổ bằng tình yêu, người ta biểu lộ tình yêu và làm cho tình yêu lớn lên qua các gian khổ ấy.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn