"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 5: Những lệch lạc trong đời sống đức Tin Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 5: Những lệch lạc trong đời sống đức Tin Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 5: Những lệch lạc trong đời sống đức Tin Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

 Bài 5: Những lệch lạc trong đời sống đức Tin Kitô giáo

Trong đời sống đức Tin hiện nay, chúng ta có thể thấy tinh thần so đo tính toán vụ lợi, thái độ nệ luật, lối sống vị luân lý… như là những biến hóa của thái độ thực dụng. Những lối sống này luôn là những cách thức con người tìm an toàn cho bản thân, biến sứ mệnh đời mình thành một con đường dễ dãi, con đường quay về bản thân mình chứ không phải con đường liên đới, hiệp thông và chiều ý nhau trong tình yêu thương chân chính. Chúng ta có thể thấy đường nét thực dụng ấy trong hầu hết những điểm trọng tâm của đời sống đức Tin Kitô giáo hiện nay:

- Người Kitô hữu chỉ coi thái độ của con người trước mạc khải chính Chúa như là sự chấp nhận những chân lý siêu vời, và cần phải nhắm mắt tin nhận để được lên thiên đàng;

- Người Kitô hữu chỉ đón nhận ân sủng như là những sự vật, nghĩa là những món quà từ Thiên Chúa mà không còn khả năng nhận ra “món quà” chính yếu là chính Đấng Ban ân sủng, tìm kiếm “ân sủng thụ tạo” mà quên mất “ân sủng bất thụ tạo”[1].

- Người Kitô hữu tham dự các bí tích như là đến với những “máy ban ơn phúc” chứ không phải sống lại giao ước ngôi vị giữa bản thân mình và chính Chúa;

- Người Kitô hữu Công giáo đọc lời Chúa như là những bài học luân lý chứ không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân; và việc đáp lại lời ngỏ của Ngài làm nên một lịch sử nghĩa tình;

- Người Kitô hữu giữ đạo chỉ là giữ giới răn, và giữ giới răn như một sự chịu vậy, nghĩa là không sống được thái độ tự do của con cái Chúa, nhưng là tinh thần nô lệ.

- Người Kitô hữu mong lên trời để hưởng mọi sự vui sướng chứ không phải để được sống trong tình yêu Thiên Chúa.

- Người Kitô hữu cầu nguyện chỉ là xin ơn chứ không phải một sự trao đổi thân tình như hiến tặng cho Chúa chính tâm hồn của mình.

Ngoài ra, chúng ta ccũng có thể nói rằng, tất cả những căn bệnh trầm kha trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam, “đạo” sinh hoạt, “đạo” hiếu kính, “đạo” thiêng liêng, “đạo” luân lý đều là những biến thể của căn bệnh chính yếu, “đạo” thực dụng. Vì không gặp gỡ chính Chúa, người Kitô hữu dừng lại ở thế giới sự vật và loay hoay ở mức độ sinh hoạt, mức độ danh giá, mức độ thế giới “thiêng liêng” và  mức độ hành vi luân lý.

Những thái độ ấy biến đời sống đức tin trở thành những khuôn khổ cứng đọng mà người ta phải tuân giữ cách “nghiêm nghị”. Vì thế, người Kitô hữu sống đạo không tìm thấy hạnh phúc của tình yêu thương mà chỉ thấy gánh nặng và sợ hãi. Có quá nhiều cái “phải” trong đời sống Kitô giáo; thậm chí có sách nghi thức còn viết rằng: “Anh chị đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, giờ đây, anh chị còn phải lãnh nhận một bí tích khác nữa là bí tích Thêm Sức”. Đúng là các anh chị phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức thì sau này mới có thể lãnh bí tích Hôn Phối hay Truyền Chức; nhưng đó là quan điểm hoàn toàn vụ luật. Những thứ “phải” ấy phần lớn đều là thái độ nô lệ cho sự vật, nô lệ nguyên tắc, nô lệ lề luật chứ không phải thái độ gặp gỡ chính Chúa và hiên ngang làm chủ mọi sự vật để dùng chúng làm phương tiện diễn tả tình nghĩa với Chúa. Nhiều vị hữu trách trong Giáo Hội vẫn trình bày đời sống đức Tin với đầy dẫy những nghĩa vụ, những cấm đoán. Nhiều chuyên viên phụng vụ chỉ quan tâm làm cho đúng chữ đỏ chứ quan tâm nuôi dưỡng đức Tin. Đời sống Giáo Hội chỉ còn có Mười Điều Răn mà không có Bẩy Ơn Thánh Thần.

Chính những thái độ ấy phá hủy hạt nhân căn bản của Kitô giáo và tạo nên một sự khủng hoảng căn tính trong đời sống đức Tin. Bởi vì người Kitô hữu không tìm thấy ý nghĩa chân chính của đời mình trong nét đẹp và niềm tự hào của con cái Chúa.

Kết

Cha mẹ thương con cái và diễn tả tình thương ấy bằng cái bánh, món đồ chơi, chiếc áo mới . . . Đứa con nào chỉ thấy đồ chơi, chỉ thấy bánh kẹo, chỉ thấy áo quần và so đo tính toán trên những sự vật ấy, sẽ có nguy cơ trở thành đứa con hư. Ngược lại, đứa con nào cảm nhận được chính bản thân cha mẹ, chính tình thương cha mẹ qua những tặng vật ấy, thì có nhiều cơ may nên người. Những đứa trẻ thực dụng sẽ dễ trở thành những kẻ suốt đời hưởng thụ và đòi hỏi. Những đứa trẻ sống tình người sẽ dễ dàng tìm thấy động lực và ý nghĩa cho hành trình cuộc đời. Đời sống đức Tin Kitô giáo cũng không ra ngoài quy luật đó.

Hơn nữa, tất cả những điều tuyệt hảo nhất của Kitô giáo đều diễn ra ở tầm mức tương giao ngôi vị. Đánh mất tầm mức này cũng là đánh mất chính bản chất Kitô giáo. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta có thể thấy thái độ thực dụng trong hầu hết mọi nét chính yếu của đời sống đức tin Kitô giáo[2]. Những sai lệch ấy không phải là một chuyện tình cờ, mà chính là nguy cơ rơi vào cơn cám dỗ của Satan đối với Giáo Hội của Chúa Kitô.

Con Cừu đi Lạc

Dụ ngôn dành cho những nhà giáo dục tôn giáo

Một con cừu thấy một khe hở ở trong hàng rào nên đã lách mình đi qua. Nó đã phiêu lưu khá xa và lạc mất đường về. Bấy giờ nó nhận thấy một con chó sói đang đuổi bắt. Nó cong lưng chạy nhưng con chó sói vẫn rượt theo cho tới khi người chăn cừu xuất hiện để cứu nó và âu yếm đem nó về chuồng.

Mặc dù nhiều người khuyên bảo, người chăn cừu không chịu đóng một miếng ván vào khe hở hàng rào.

(Anthony de Mello, Như Tiếng Chim Hót, trang 150-151)

 


[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, Chân lý 2003, trang 181-186.

[2] Xc. Nguyễn Trọng Viễn O.P. Gặp Gỡ Chính Chúa, 2003.