Cuộc đời Marthe Robin - Cơn bệnh đột nhập và những chuẩn bị của Thiên Chúa (1918-1928) - Lm. Peyrous

Cuộc đời Marthe Robin - Cơn bệnh đột nhập và những chuẩn bị của Thiên Chúa (1918-1928) - Lm. Peyrous

Cuộc đời Marthe Robin - Cơn bệnh đột nhập và những chuẩn bị của Thiên Chúa (1918-1928) - Lm. Peyrous

Những phản ứng của gia đình và những người thân cận

1. Gia đình

Gia đình Robin không thể đưa chị Marthe đi bệnh viện vì vào thời đó không có bảo hiểm xã hội. Trước năm 1901, có lẽ người ta có thể tìm một bệnh viện tư hoặc một nhà săn sóc bệnh nhân do các nữ tu điều khiển và có thể nhận miễn phí chị Marthe. Nhưng trong năm 1901 các cộng đoàn tu sĩ nam nữ bị trục xuất, trong khuôn khổ chống Giáo Hội, cho nên mạng lưới y tế Pháp bị suy yếu. Vì thế chị Marthe đành phải ở tại gia đình. Chị không còn khả năng tự lo liệu. Vậy mẹ chị phải dành cho chị một phần thì giờ quý báu, mà mẹ chị dùng để lo công việc nhà. Gia đình tốn tiền lo cho chị. Chị không thể lập gia đình, cũng không sống tự túc như nhờ thêu may. Cánh cửa nữ tu viện đã khép lại đối với chị, trước tiên vì lý do sức khoẻ, sau là vì các dòng tu đã bị trục xuất, phải rời nước Pháp mới đi tu được. Như thế gia đình ở vào thế không lối thoát.

2. Những người thân cận

Vác thập giá mình hằng ngày | ngọn lửa nhỏ

Nếu gia đình không giúp đỡ Marthe nhiều, ít là về phương diện tình cảm và tinh thần, những người lân cận cũng không bày tỏ dấu gì hơn. Trong xứ, người ta bối rối trước bệnh tình có vẻ không thông thường và có lời phê phán nghiêm ngặt. Lúc bấy giờ, phạm trù “cuồng loạn” (áp dụng cho phái nữ) phát xuất từ bác sĩ Charcot và trường phái tâm thần học la Salpêtrière, được dân chúng có ít nhiều học thức chấp nhận. Phạm trù được sử dụng để giải thích các hiện tượng khó hiểu, và người ta áp dụng ngay đối với chị Marthe. Bà Marguerite Lautru nữ hộ sinh xứ Châteauneuf nhớ là “chị Marthe không hoặc gần như không được ai đến thăm. Kể cả cha sở, mặc dù tôi hay nói với cha về chị Marthe. Ngài khuyên tôi đi thăm (ngài chỉ đến thăm vào những tháng cuối, trước khi tôi đi nơi khác), còn những người giữ đạo tại địa phương chỉ trích tôi vì họ kể chị Marthe không hấp dẫn… Đôi lúc lời phê phán của họ còn có vẻ khinh miệt hơn. Họ nói chị Marthe điên và còn thêm đó là chính bác sĩ Modrin ở Hauterives chẩn đoán”.

Kết quả là chị Marthe không được ai đến thăm. Các chị em bạn lớp cũng không đến thăm. Có thể do sợ bị lây nhiễm. Chị Marthe bị cô lập hoàn toàn, suốt những ngày dài một mình với đau đớn và nhàm chán. Những lời tâm sự của chị dưới đây ghi rõ nét nỗi cô đơn trong nhữngthời gian dài.

Trong tuần, tôi làm việc cách rất nhẹ nhàng, nhưng tôi lại rơi vào nỗi buồn cô liêu của những năm trước, không có trò chuyện vui vẻ để đếm từng chuỗi giờ (1927)

Về phần tôi tôi nghĩ là chủ nhật này cũng giống những chủ nhật khác và cũng nghĩ sẽ không thấy một ai, trừ những người nhà. (1928)

Không có, không còn ai đến thăm, một người cũng không, có lẽ người ta bảo nhau để tôi lo việc thêu và đeo đuổi những suy nghĩ… (1928)

Những ngày của tôi trôi đi đều đều và giống nhau vì ba phần tư ngày đều ở một mình, dụng cụ làm việc của mẹ tôi không chỉ ở trong phòng tôi mà thôi. (1928)

Về phần tôi, ngày mai sẽ như mọi ngày khác, âm u và đơn điệu và cả ngày có mẹ ở một bên, chẳng có gì thay đổi chúng tôi. (1928)

Ở chung phòng với mẹ, chị Marthe đau đớn ban đêm nhiều khiến chị thú nhận: “Ban đêm, tôi đau, đau lắm, tôi cắn lấy khăn trải giường để khỏi đánh thức mẹ”.

Vai trò của cha sở là đi thăm viếng bệnh nhân trong giáo xứ. Người ta rất nhạy bén về điều này trong việc đào tạo linh mục; có nhiều linh mục dành nhiều thời gian để đi thăm bệnh nhân. Cho đến năm 1923, cha sở là cha Payre đã có đi thăm chị Marthe. Sau đó cha Faure kế vị cha và sẽ là chủ chăn xứ Châteauneuf cho đến 1955. Cha là con người nghị lực, bắt đầu canh tân giáo xứ và phản ứng trước tình trạng bỏ đạo. Cha sáng lập một Hiệp hội Công giáo dành cho giới nam, lập tức có 15 người gia nhập, và một hội bảo trợ trẻ em bắt đầu với 10 trẻ. Người quy tụ lại những người thiện chí, từ lâu đã bị đè bẹp do phong trào bài tôn giáo. Cha sở là người có cá tính vững mạnh, hơi cục tính. Người ta đôi lúc không ngần ngại sánh người với cha sở xứ Ars. Chắc chắn, trong bối cảnh căng thẳng cần phải có một người như cha sở để phản ứng và buộc phải kính nể. Cha sợ những người thần nghiệm. Lúc còn ở chủng viện, cha đã xin ơn Chúa cho khỏi phải giải tội họ. Trong quan điểm thời đó, trước tiên, phải tin tưởng vào đời sống khổ luyện, nỗ lực cá nhân, để đi tới Thiên Chúa. Phải nhận trách nhiệm, phải tiến tới bất cứ bằng giá nào. Đó chính là quan điểm của sách giáo lý của giáo phận.

Những mối quan hệ đầu tiên của cha sở với chị Marthe có khó khăn. Cha không hiểu chị. Chị kể: “Cha sở có quả tim bằng vàng dưới lớp vỏ cây sồi và tôi sợ cha, cha không hiểu tôi luôn, đôi khi bắt tôi lặp lại điều tôi vừa nói. Tôi nghĩ cha rầy tôi với giọng hơi gay gắt, tim tôi phồng lên, không thể trả lời được. Cha sở nghĩ là tôi hờn dỗi và cả hai rút lui mà không hiểu nhau”. Cô bạn của chị là Jeanne Bonneton nói với chị về lòng nhân hậu của cha sở: “Vậy khi cha đến nhà tôi, cha để lòng nhân hậu ở ngoài cửa”.

3. Những tình bạn đầu tiên

Chị Marthe có lòng nhân hậu và mẫn cảm. Chị hướng nhìn bên ngoài, thích quen biết người khác, cần được trìu mến, và trao đổi với nhau. Trong thời gian chữa bệnh ở Saint-Péray, chị có được hai người bạn. Bạn thứ nhất là bà du By, bà nam tước d’Alboussière trong tỉnh l’Ardèche. Bà là một phụ nữ có đức tin. Bà có một thư viện đẹp chứa đựng sách tôn giáo. Chắc chắn bà xúc động đối với cô bệnh nhân đau nặng, hơi tuyệt vọng và không biết “sáp nhập” bệnh tình của chị trong đời sống đức tin. Bà nói cho chị nghe về sự Thương khó Chúa Giêsu. Thế là chị Marthe nhờ đó mà có được phương thế giúp chị thấu hiểu và đạt kết quả. Người bạn thứ hai là bà Delatour, ở Saint-Claude, tỉnh Jura, chị Marthe đã trao đổi thư từ rất thân mật với bà giữa năm 1923 và 1928. Nhờ việc liên lạc thư từ này mà chị Marthe được sự nâng đỡ và khích lệ. Bà Delatour đối xử với chị như một người chị mà người ta có thể tâm sự tất cả. Bà cũng giúp đỡ chị có đồ để chị thêu.

Đằng khác, một cô ở Lyon tên là Gisèle Boutteville đã ở một phần mùa hè tại Châteauneuf, trong một gia đình bạn, có họ với gia đình Robin. Cô Gisèle đến thăm chị Marthe và trở thành một trong những người bạn thân thiết của chị Marthe. Mối thân thiết này kéo dài cho tới khi chị Marthe qua đời [2]. Nhờ cô này chúng ta có buổi tường thuật buổi gặp đầu tiên vào năm 1924 với chị Marthe. Lúc đó cô được 17 tuổi: “Chị Marthe rất sung sướng khi thấy có khách đến và khi mấy chị bạn tôi giới thiệu tôi với chị và nói tên tôi với chị, cho biết tôi ở Lyon, tôi không thể diễn tả cảm xúc của chính tôi. Và nhất là cái nhìn của chị thấu tận thâm tâm tôi, điều này gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Chị không ngừng cám ơn tôi đã đến với chị. Tôi cũng ngại ngùng vì tôi nói với chị, niềm vui là trọn vẹn cho tôi… Chúng tôi đã trò chuyện rất lâu cách đơn sơ mà không nói về chị chút nào. Chị muốn chúng tôi ở lại lâu hơn vì chị nói với chúng tôi rằng chị gặp rất ít khách và sống lẻ loi một mình”.

Năm 1927, chị thợ may, vợ anh thợ mộc trong làng chị Francine Bonnet, làm quen với chị Marthe. Đôi vợ chồng là bạn của cha sở, cũng là giáo dân trung thành của giáo xứ Châteauneuf. Chị kể: “Tôi có đặt cho chị một vài công việc nhỏ cho đồ dùng cá nhân tôi, chính chị rất biết ơn và có lời cám ơn tôi rất thắm thiết khiến tôi gắn bó hơn với chị và nhanh chóng nhận chị làm chị bạn tốt nhất”.

Cũng năm 1927, có một người khác đi vào đời sống chị Marthe. Đó là cô Marguerite Lautru [3], 25 tuổi. Theo yêu cầu của một bác sĩ ở Hauterives, cô đến Châteauneuf với tư cách nữ hộ sinh. Một ít lâu trước khi rời Châteauneuf, cô đi lên thăm chị Marthe. Lần này, chính chị Marthe thuật lại cuộc gặp gỡ cho bà Delatour biết: “Ngày thứ hai khách đến thăm đầu tiên là một người tôi đã quen biết lâu rồi: lúc đó chỉ có mình tôi ở nhà; thế là cũng như hai cô gái lớn chúng tôi tự giới thiệu cho nhau. Tôi không còn đợi cô đến nữa; từ một năm cô phải đến; đó là nữ hộ sinh Châteauneuf, cô được 24 tuổi; qua buổi viếng thăm, cô đã để lại cho tôi một kỷ niệm rất tốt, cô là con người được giáo dục tốt, nói chuyện rất tuyệt diệu”.

Những mối tình bạn đó rất quý báu cho chị Marthe, giúp chị hướng tới sự sống, không để chị tự đóng kín lại, chìm nghỉm trong nỗi đau khổ và trong các vấn đề của chị. Những tình bạn đó đem cho chị một món ăn nuôi dưỡng tính ham biết: người ta đã thấy chị Marthe để ý đến những gì xảy ra ở Lyon. Nhất là chị Marthe có ấn tượng là mình cũng có đáng kể đối với một số người. Chị được nhìn nhận với tình trạng cụ thể của Chị. Chị không chỉ là “một gánh nặng” hay một “con người kỳ dị”. Chị có thể nói, giải bày tâm sự phần nào. Người ta cũng thấy có bé Gisèle Boutteville ngạc nhiên trước cái nhìn sâu sắc của chị Marthe. Chính là vì tự thâm tâm của chị, có những điều bắt đầu xảy ra trong quan hệ của chị với Thiên Chúa. Trời bắt đầu vén màn lần lần.

Đức tin nâng chúng ta lên | Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam


[1] Chắc chắn là những lời cứng rắn.

[2] Cô Boutteville lập gia đình trở thành bà Sign, sẽ qua đời năm 1989.

[3] Marguerite Lautru (1903–2001) chị sẽ vào dòng nữ phục vụ bệnh viện ở Lyon. Chị sẽ làm bề trên tổng quyền, chị vẫn quan hệ gần gũi với chị Marthe.