"Anh em hãy đợi nhau" - Thứ Hai Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, Thánh Cornêliô và Cyprianô

"Anh em hãy đợi nhau" - Thứ Hai Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, Thánh Cornêliô và Cyprianô

"Anh em hãy đợi nhau" - Thứ Hai Tuần XXIV - Mùa Thường Niên, Thánh Cornêliô và Cyprianô

"Anh em hãy đợi nhau"

1Cr 11,17-26.33; Lc 7,1-10

Thứ Hai Tuần XXIV - Mùa Thường Niên

16/09/2024

Thánh Cornêliô và Cyprianô

 

Sự phân rẽ giữa các tín hữu Côrintô đã được nói đến ngay từ đầu của thư thứ nhất của thánh Phaolô mãi cho đến chương 11 mà chúng ta nghe đọc hôm nay. Ngoài chuyện chia phe nhóm nhân danh các tông đồ, giữa họ cũng phân rẽ vì giàu nghèo, và thật là tệ hại, điều này lại được thể hiện ngay trong việc cử hành Thánh Thể! Ngày xưa, các tín hữu dùng bữa ăn huynh đệ được gọi là bữa ăn agapé trước, rồi sau đó bước ngay vào phần cử hành bữa ăn Vượt Qua của Chúa. Xảy ra chuyện là những người giàu đến trước và cùng nhau ăn những thức ăn sang trọng bỏ mặc những người nghèo sang một bên. Điều này khiến thánh Phaolô bực mình và viết: “Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của?” (11,22). Thánh nhân đưa ra mẫu gương của Chúa Kitô trong bữa ăn sau hết, Ngài không sống cho chính mình, nhưng đã hiến mình, đã đổ máu mình cho ơn cứu độ của loài người.

Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Côrintô “anh em hãy đợi nhau.” (1Cr 11,33). Ngài muốn nói người giàu hãy chờ đợi người nghèo đến và dùng bữa agapé và bữa ăn của Chúa chung với nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói xa hơn: người giàu đừng bỏ rơi người nghèo.

Trong cuộc sống, những điều trên vẫn diễn ra. Người ta muốn được việc, muốn đạt được thành công như ý muốn, người ta cũng dễ gạt người khác ra một bên. Trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn, những người không dễ ưa, những người hay sai lỗi, ngay cả những người sống ích kỷ chỉ tìm kiếm bản thân... cũng dễ bị người khác xem thường và gạt họ ra bên lề. Nhưng Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI kêu gọi cho một Giáo Hội không bỏ lại ai đàng sau. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: để đi nhanh hơn, người ta bước đi một mình, nhưng để đi xa hơn, người ta cần bước đi cùng nhau.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn