Đưa mặt ra chịu sỉ nhục - Chúa Nhật Tuần XXIV - Mùa Thường Niên B

Đưa mặt ra chịu sỉ nhục - Chúa Nhật Tuần XXIV - Mùa Thường Niên B

Đưa mặt ra chịu sỉ nhục - Chúa Nhật Tuần XXIV - Mùa Thường Niên B

Đưa mặt ra chịu sỉ nhục

Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

Chúa Nhật Tuần XXIV - Mùa Thường Niên B

15/09/2024

 

Sách tiên tri Isaia hôm nay là bài ca thứ ba trong số bốn bài ca về Người Tôi Tớ trung tín của Đức Chúa. Nội dung này được kitô hữu nhận biết nơi Đức Giêsu Kitô trong cuộc thuơng khó của Ngài. Bài Tin Mừng Marcô là xác định chọn lựa của Đức Giêsu về con đường thập giá ấy. Phêrô có ra sức ngăn cản Thầy Giêsu, nhưng Đức Giêsu từ chối con đường của Satan ấy, lại còn khẳng định ai muốn theo Ngài thì cũng không thể đi con đường nào khác.

Trước hình ảnh của Người Tôi Tớ của Đức Chúa, tôi xin mời mọi người suy nghĩ về thái độ “đưa mặt ra”, “đưa lưng ra” cho người ta sỉ nhục. Trước hết phải nói đến thái độ mở tai ra cho Đức Chúa. Trước con đường chịu sỉ nhục mà Đức Chúa mời gọi bước vào, Người Tôi Tớ ấy không từ chối, nhưng mở tai ra, nghĩa là đón nhận con đường ấy. Như thế, vị này đưa mặt ra trước người đời để đón nhận những sỉ nhục, đưa lưng ra để chịu những ngược đãi của người đời, và luôn tin cậy vào Đức Chúa.

Tôi xin mượn ý tưởng của thánh Giacôbê về đức tin cần có hành động để nói rằng: nếu nói rằng tôi tin vào Đức Giêsu, tôi đi theo Ngài mà không đón nhận sỉ nhục từ người khác vì sống Tin Mừng và để sống Tin Mừng, thì chưa phải là tin và đi theo Đức Giêsu. Làm sao nói khác được việc đón nhận thập giá mà không đón nhận sỉ nhục, không đón nhận cách đối xử tệ hại của người khác?! Khi không đón nhận sỉ nhục thì việc bước theo con đường thập giá chỉ dừng lại ở ngôn từ cho yên lòng thôi, chứ chưa thực sự là môn đệ của Ngài. Muốn theo Ngài mà cứ khẳng định mình cho bằng được, không thể nhịn được một lời trước người khác... thì vẫn là môn đệ hình thức thôi chứ chưa phải là môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô. Hãy đón nhận “cái chết” nơi sự sỉ nhục, kitô hữu sẽ cảm nhận được sự sống mới kỳ diệu nơi tâm hồn và nơi cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn