Trong tâm thức của con người, cách riêng của người Việt Nam, sự khôn ngoan dễ được đồng hoá với chức vị. Người làm lớn, trách nhiệm lớn thì khôn ngoan hơn. Trong niềm tin của chúng ta, người ta thường dùng từ “ơn chức vụ” (grâce d’état): Chúa ban những ơn cần thiết cho người đảm nhận trách nhiệm trong cộng đoàn. Những điều ấy đúng nhưng không đủ, không phải là tất cả. Bởi vì nếu chỉ có vậy, thì người lãnh đạo dễ nghĩ mình khôn hơn người khác và trở nên độc đoán, dễ tự ái khi có người phê bình hay chỉ ra những giới hạn của mình, và có khi phản kháng lại người thuộc trách nhiệm của mình. Nếu nghĩ như thế thì những người chung quanh cũng thiếu tự tin, nghĩ mình kém cỏi nên không dám góp ý, không dám trao đổi và dễ trở nên thụ động, đổ trách nhiệm cho người lãnh đạo!
Sách Huấn Ca hôm nay trình bày sự khôn ngoan theo nghĩa rất sinh động. Đó không phải là điều có thể sở hữu một lần, nhưng đi theo con người trong suốt hành trình cuộc đời. Có khi sự khôn ngoan lìa bỏ người đó. Họ cần được tôi luyện bởi Thiên Chúa để có sự khôn ngoan hơn... Ý nghĩ độc tôn cũng có trong đầu các môn đệ của Đức Giêsu khi họ coi nhóm họ là trên tất cả và từ khước những điều tốt lành từ những nhóm khác!
Với cách nhìn hiện đại của Giáo Hội như một cộng đoàn đức tin đang hành hương, thì Giáo Hội cũng đang đi tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa dọc theo hành trình lịch sử của mình. Đó là một hành trình phân định điều mà Thiên Chúa mời gọi trong lịch sử, biết lắng nghe thúc đẩy của Thánh Thần và biết trở nên dễ bảo với Thánh Thần. Thượng Hội Đồng 16 còn lưu ý rằng Thánh Thần có thể hiện diện nơi bất cứ ai, do đó thái độ tôn trọng và lắng nghe nhau để tìm kiếm điều được Thánh Thần soi sáng là điều cần phải thể hiện trong hành trình bước đi cùng nhau. Không ai độc quyền sở hữu sự khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Do đó, cần mở ra để tìm kiếm và đón nhận sự khôn ngoan từ bất cứ đâu, từ bất cứ ai. Cùng nhau khám phá và cùng nhau bước đi, đó là thái độ đức tin cần có hôm nay.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn