Bộ phim về Giáo Hội thời ban đầu gồm hai cảnh trái ngược nhau: một bên thì đầy thù hằn và bạo lực của những người cầm quyền đối với các kitô hữu. Bài đọc 1 hôm nay kể về sự tham gia tích cực của ông Saolô. Bên kia là các kitô hữu bị bách hại không nản chí, nhưng vẫn luôn loan báo Tin Mừng phục sinh và kêu mời lòng sám hối để được tha thứ. Họ luôn loan báo về sự sống mà Chúa Kitô Phục Sinh mang lại, vì thế mà họ không bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, nhưng luôn là sự tha thứ -như ông Stêphanô đã làm-, là sự chữa lành. Và điều này làm cho “người ta rất vui mừng!” (Cv 8,8).
Quyền bính Do Thái tìm cách khẳng định vị trí của mình bằng bạo lực, loại trừ, và do đó, cả bằng sự giả dối với những chứng gian, với việc đút tiền để bẻ quẹo sự thật! Còn quyền bính của Thiên Chúa thì khác hẳn. Vốn dĩ bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, là lòng tha thứ. Sức mạnh của Ngài không cần dùng đến bạo lực của con người, nhưng chỉ mang lại sự sống, sự chữa lành, và do đó mang đến niềm vui và bình an!
“Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6,37-38).
Kitô hữu không cần sốt sắng, bức xúc về Nước Thiên Chúa cách quá đáng để rồi phải dùng đến những phương thế trần gian, nhất là bạo lực của lời nói và hành động! Những người được Chúa Cha gọi thì sẽ đến với Chúa Kitô thôi. Những người có trách nhiệm trong gia đình và các cộng đoàn đừng bức xúc về trật tự, kỷ cương trong cộng đoàn các quá đáng để rồi phải la mắng, vung tay vung chân. Chuyện của Chúa, người được Chúa kêu gọi, họ sẽ đến với Chúa. Bạo lực chỉ nhằm thực hiện trật tự của con người. Tình thương và sự chữa lành mới đưa người ta đến với Chúa được, vì Chúa là sự sống, là hạnh phúc và bình an mà!
Gia đình tôi, cộng đoàn của tôi có được sự bình an và niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh không, hay ở đó chỉ có công kích và lo sợ?
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn