Đức Chúa Đáng Kinh Sợ là Đấng vô hình nhưng biểu lộ mình qua những điều lớn lao đáng kính sợ không kém! Người ta ở lại trong cách nhìn đó về Thiên Chúa. Vì thế, người ta đòi Đức Giêsu hãy chứng tỏ mình là người đến từ Thiên Chúa qua một dấu lạ từ trời (x. Mt 16,1; Mc 8,11; Lc 11,16). Nhưng với Đức Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ chính mình theo một cung cách hoàn toàn khác: không phải “ở trên trời” hay ở đâu đó, mà là “ở giữa các ông” (Lc 17,19). Thiên Chúa không chỉ là Đấng vô hình ở trên trời cao thẳm, nhưng là một con người có thể nghe được qua tiếng nói của loài người, có thể nhìn thấy được, có thể chạm đến được (x. 1Ga 1,1).
Nhưng điều này cũng không dễ để nhận biết, nếu không có đủ chiều sâu nội tâm. Khi viết những lời trên trong thư thứ nhất, ông Gioan trước đó cũng đã từng nhìn Đức Giêsu với niềm hy vọng về một Đấng Messia của sức mạnh quân sự, của vương quyền trần thế nên giành chỗ bên tả hay bên hữu Ngài, là Đấng Messia mang lại sự giàu có, lương thực dư đầy để cùng với những người khác muốn tôn Ngài làm vua… Thế nhưng, sau sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô và nhiều chục năm suy nghĩ, ông Gioan có thể nói được rằng: đó là Ngôi Lời có từ muôn thuở (x, Ga 1,1-18), “đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1).
Đấng vô hình đã trở nên hữu hình trong đời sống con người, nơi những con người mà người đương thời chỉ xem như một người ở giữa họ, nếu không muốn nói rằng là người đã nói những lời khó nghe, không như họ chờ đợi. Và nếu như mầu nhiệm Nhập Thể đã làm cho Thiên Chúa trở nên hiện diện thường xuyên trong lịch sử con người, công trình cứu độ của Ngài cũng ở nơi chính lịch sử hàng ngày của đời người, thì người ta cũng cần theo gương ông Gioan để “chiêm ngắm” cuộc sống hàng ngày, hầu nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Để rồi đến lúc nào đó, những con người của đức tin có thể thốt lên: chúng tôi đã thấy Ngài, đã nghe Ngài, đã chạm đến Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn