TGPSG / VATICAN NEWS – Tại buổi họp báo cập nhật thường lệ tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, các cuộc thảo luận đã nói về “trao đổi các ân ban” và một sự “phối hợp hữu hiệu giữa địa phương và hoàn vũ”. Các bài phát biểu của các Hồng y Aveline, Hồng y Rueda Aparicio, Hồng y Mulla và Tổng Giám mục Marín De San Martín đã đề cập đến tinh thần nhiệt huyết trong công việc giữa một thế giới vẫn còn “đầy rẫy những bi kịch.”
“Phân quyền” là “lành mạnh” nếu được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc vững chắc: một “Giáo hội của các Giáo hội” sẽ tìm thấy sự hài hòa của mình nếu được xây dựng trên một số nguyên tắc có khả năng đảm bảo hoạt động hiệu quả. Trong số đó là “trao đổi các ân ban”, một sự “phối hợp hữu hiệu giữa địa phương và hoàn vũ”, “tính bổ trợ”, và việc phát huy sự hiệp nhất của các “Giáo hội sui iuris – tự trị biệt lập”. Buổi họp báo hôm nay thảo luận về các hoạt động Thượng Hội đồng diễn ra chiều 17 tháng 10 và sáng hôm nay, ngày 18 tháng 10, tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, do bà Cristiane Murray, Phó Giám đốc, điều phối, đã được ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng khai mạc, và theo sau đó là bà Sheila Pires, Thư ký của Ủy ban, tiếp tục trình bày báo cáo.
Tái định nghĩa khái niệm về lãnh thổ
Các cuộc thảo luận, đặc biệt trong ngày hôm qua, với sự hiện diện của 332 tham dự viên, đã tập trung vào phần thứ ba của Tài liệu Làm việc, dành riêng cho “Các nơi chốn”. Trong bối cảnh này, ông Ruffini cho biết, nhiều ý kiến phát biểu đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của các Giáo hội địa phương, không gây tổn hại nhưng phục vụ sự hiệp nhất”, nhấn mạnh rằng “tính đặc thù của mỗi Giáo hội” không phải là mối đe dọa, mà trái lại là “món quà đặc biệt”. Một ví dụ là các “Giáo hội Công Giáo Đông phương”, có truyền thống cần được bảo vệ, bởi vì đó là “kho báu của toàn thể Giáo hội Công Giáo hoàn vũ”, do đó, là “phần không thể thiếu và cần thiết”. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban tiếp tục cho biết, nhiều người đã chỉ ra cần phải “bảo đảm” không chỉ “sự tồn tại thực sự”, mà còn “sự phát triển mạnh mẽ” của các Giáo hội Công Giáo Đông phương cả tại các lãnh thổ nguyên thủy lẫn trong cộng đoàn di cư. Một số người cũng đã lên tiếng rằng “trong lịch sử của chúng ta đã có một sự hiệp nhất mà người ta không hiểu đúng nghĩa” và đôi khi Giáo hội Latinh đã hành xử một cách “bất công đối với các Giáo hội sui iuris Đông phương, khi xem thần học của họ là thứ yếu”. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận, đã được nhấn mạnh rằng một trong những thách thức hiện nay là “tái định nghĩa khái niệm về lãnh thổ”, vốn “không chỉ là không gian” vật lý: thực tế, “do di cư, có những người Đông phương đang sống tại các lãnh thổ nơi nghi thức Latinh chiếm ưu thế.”
Phân quyền giữa Rôma và các vùng ngoại biên
Về chủ đề được quan tâm sâu sắc là việc cử hành Lễ Phục sinh cùng một ngày của các “Giáo hội anh em”, một thỏa thuận đã đạt được để việc này diễn ra vào năm tới. Tuy nhiên, từ phía đại hội, đã có yêu cầu — được rất nhiều người ủng hộ — về việc “một thông điệp từ toàn thể Thượng Hội đồng để yêu cầu luôn một ngày chung,” ông Ruffini kết luận. Việc phân quyền giữa Rôma và các vùng ngoại biên đã là chủ đề của nhiều suy tư trong các cuộc thảo luận Thượng Hội đồng những ngày qua, đồng thời cũng khơi dậy sự chú ý từ phía các nhà báo trong nhiều buổi họp báo. Bà Pires giải thích rằng các tiêu chí để “xác định một sự phân quyền lành mạnh” đã được phân tích, bao gồm “sự gần gũi và tính bí tích, tức là các bí tích”. Các cộng đoàn cơ bản nhỏ cũng được chú ý đặc biệt như là “nơi ưu tiên của một Giáo hội hiệp hành”. Đối với các cộng đoàn này – được nhấn mạnh rằng – môi trường kỹ thuật số có tầm quan trọng lớn vì nó có thể giúp giữ họ gắn kết ngay cả trên lãnh thổ, “chứ không chỉ trên mạng”. Đồng thời, môi trường kỹ thuật số cũng có thể được nuôi dưỡng một cách hữu ích bằng lời cầu nguyện, điều thiết yếu “để phân định giữa điều tốt và điều xấu”. Bà Thư ký của Ủy ban, đã thêm rằng, lời cầu nguyện, theo một số suy tư trong hội đồng, “là nền tảng cho tất cả chúng ta, để chúng ta có thể trở thành các môn đệ kỹ thuật số.”
Chia sẻ hành trình với giáo dân
Nhiều phát biểu, theo bà Pires, đã khuyến khích “đừng sợ hãi về hiệp hành, vì nó không làm suy yếu các đặc sủng khác nhau và các tác vụ khác nhau, cũng không làm giảm đi sự đặc thù của các nơi chốn”, liên quan đến đó là yêu cầu phát triển sâu rộng hơn về chủ đề giáo xứ. Thực tế cho thấy rằng “các công việc hành chính đang làm giảm nhiệt huyết và sự phấn khởi truyền giáo, và vì vậy cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo”. Đặc biệt, cần “lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, vì tính hiệp hành của Giáo hội địa phương” cũng thể hiện trong “những thực tế mang dấu ấn của sự đau khổ”. Để chiến đấu cho đức tin trong các xã hội thế tục hóa, như Thánh Phaolô đã nói, điều quan trọng là “chia sẻ hành trình với giáo dân”. Một sự phân quyền lành mạnh của Giáo hội có thể tăng cường trách nhiệm chung của dân Chúa, với điều kiện luôn giữ trong sự hiệp nhất, “trung thành với Huấn quyền, hiệp thông giáo hội với người kế vị Thánh Phêrô, tôn trọng các Giáo hội địa phương, trong tính bổ trợ và tính hiệp hành”. Tin Mừng cần được “nhập thể vào mọi nền văn hóa và mọi nơi, cư ngụ và củng cố chiều kích cộng đồng của các phong trào và các thực tại giáo hội mới”. Bà Pires cũng chỉ ra một phát biểu nhận được rất nhiều hoan nghênh đã nhấn mạnh lời kêu gọi của Giáo hội “đến với hiệp nhất trong đa dạng”: Giáo hội là một “thực thể sống động có Chúa Kitô là trái tim và sống như một thân thể qua sự hiện diện của con người”.
Chào đón phụ nữ và giới trẻ
Về vấn đề chức phó tế nữ, một số ý kiến nhấn mạnh rằng “Giáo hội không nên là một 'điều dành riêng cho nam giới' và ngay cả khi phụ nữ yêu cầu được tham gia vào các tiến trình quyết định, điều này vẫn chưa đủ.” Về giới trẻ: nếu “họ nói rằng họ là người có đời sống tâm linh nhưng không có tôn giáo” thì điều này cần thúc đẩy Giáo hội “trở thành các mục tử ngay cả trong môi trường kỹ thuật số”, nơi mà các bạn trẻ đang lui tới và sinh sống. Cuối cùng, ông Ruffini đã thông báo rằng chiều nay, ngoài cuộc gặp gỡ của các nhóm làm việc, sẽ có một cuộc họp của Ủy ban Giáo luật và một của SECAM, phụ trách việc phân định thần học-mục vụ về vấn đề đa thê. Tuần tới, ông nhắc lại, sẽ là giai đoạn quan trọng để đối chiếu dự thảo tài liệu cuối cùng: do đó, như “Hồng y Mario Grech đã nhấn mạnh sáng nay”, tuần này cần phải được sống trong bầu không khí tĩnh tâm và cầu nguyện sâu sắc. “Chính vì thế”, Bộ trưởng Bộ Truyền thông tiếp tục, ngày thứ Hai sẽ bắt đầu lúc 8h30 với Thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần, được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa trong Vương cung Thánh đường Vatican.
Những thách thức ở Địa Trung Hải
Từ Địa Trung Hải đến Châu Phi, qua Châu Mỹ Latinh, dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng các khu vực này đều có những vấn đề tương tự và đều chia sẻ một mục tiêu chung là giải quyết chúng, điều này đã xuất hiện rõ ràng trong các cuộc làm việc của Thượng Hội đồng. Đây là chủ đề chính đã liên kết các phát biểu và các câu hỏi tiếp theo từ phía các khách mời tại buổi họp báo. Người đầu tiên phát biểu là Hồng y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám mục Marseille (Pháp), người đã nhắc lại vai trò của mình trong việc điều phối công việc của Giáo hội tại khu vực Địa Trung Hải theo sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Vị Hồng y đã phác thảo một dòng thời gian về sự dấn thân của mình, bắt đầu từ năm 2020 với khoảng 40 giám mục và tiếp tục qua các cuộc gặp gỡ khác cho đến tháng 9 năm 2023, khi Đức Thánh Cha “bày tỏ mong muốn tiếp tục công việc này, điều phối và hỗ trợ nó”. Hướng đi này chủ yếu dựa trên việc lắng nghe những khó khăn của các cộng đoàn Giáo hội khác nhau. Hồng y Aveline cho biết, "Mare nostrum" không phải là một chủ đề nghiên cứu, mà là một khu vực trải qua nhiều hoàn cảnh bi thảm: chiến tranh, các quyền tự do không được tôn trọng, tham nhũng, và không thể không nhắc đến các hiện tượng di cư, mà các mạng lưới hỗ trợ đặc biệt đã được thiết lập để giải quyết. Tuy nhiên, Tổng Giám mục Marseille cũng tiếp tục giải thích rằng các vấn đề được xem xét không chỉ giới hạn ở những vấn đề này mà còn liên quan đến các vấn đề thần học và các thánh địa Đức Mẹ, những nơi “xuất hiện như những ốc đảo” mà người dân từ nhiều vùng của lục địa Châu Âu đổ về. Các cuộc gặp gỡ còn bao gồm cả những nhân vật thuộc các tổ chức chính phủ, các sinh viên trẻ và những người thuộc các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo. “Chúng ta cần hiểu Giáo hội có thể đóng góp gì vào những nỗ lực vì công lý và hòa bình trong khu vực này” Hồng y Aveline nhấn mạnh, và nhắc lại đề xuất của ngài về khả năng tổ chức một Thượng Hội đồng dành riêng cho Địa Trung Hải.
Những đau khổ và hy vọng của Châu Mỹ Latinh
Sau đó, Hồng y Luis José Rueda Aparicio, Tổng Giám mục Bogotá (Colombia), đã chia sẻ kinh nghiệm đức tin tại đất nước của ngài và toàn thể Châu Mỹ Latinh, một “lục địa trẻ” với “những đau khổ và hy vọng.” Giáo hội địa phương hướng tới việc tìm kiếm một “đời sống thiêng liêng ngày càng gần gũi với người nghèo hơn.” Một vấn nạn ngày càng trầm trọng không chỉ bởi hiện tượng di cư về phía bắc của lục địa, mà còn bởi các vấn đề liên quan đến buôn bán ma túy. Trong bối cảnh khó khăn này, Giáo hội “đã thành công trong việc đoàn kết và tìm ra những phương pháp để tiếp cận thực tế, cố gắng nhìn nó bằng con mắt đức tin và hy vọng.” Theo tầm nhìn của Tổng Giám mục Bogotá, kết quả đạt được là một “sự hiện diện cụ thể của Nước Chúa” với mục tiêu mở rộng, nhằm tiến tới một “công cuộc loan báo Tin Mừng toàn diện” phù hợp với toàn bộ lục địa.
Những vết thương của Nam Sudan
Sau đó, Hồng y Stephen Ameyu Martin Mulla, Tổng Giám mục Juba (Nam Sudan), đã đề cập đến những khó khăn mà đất nước của ngài và quốc gia láng giềng Sudan đang đối mặt. Đây là một dân tộc “nghèo khó”, đã trải qua nhiều cuộc chiến để tìm kiếm tự do, nhưng đến nay vẫn còn cách xa hòa bình và bị chi phối bởi nhiều “vấn đề chưa được giải quyết”. Cuộc chiến tại Sudan song hành với những khó khăn tại quê hương của Hồng y Mulla, nơi dù đã trải qua quá trình độc lập mà nhiều người nghĩ sẽ “giải quyết mọi vấn đề”, nhưng lại phải đối mặt với những vấn đề ngày càng nhiều hơn. Các thỏa thuận hòa bình được ký kết ở Nam Sudan vẫn chưa được thực thi hoàn toàn, một vấn đề mà một phái đoàn cấp cao đã nêu lên với Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp lịch sử năm 2018. Tình hình trong những năm qua vẫn không thay đổi, ngay cả sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia này. “Vì lý do này”, Tổng Giám mục Juba phát biểu, “chúng tôi nghĩ rằng Thượng Hội đồng có thể giúp chúng tôi thiết lập một cuộc đối thoại để giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị mà chúng tôi đang trải qua”.
Một trong những vết thương khác đang hành hạ đất nước, Mulla nhắc đến, là tình trạng ấm lên toàn cầu. Thành phố Bentiu được nêu ra như một ví dụ, nơi hiện đang bị ngập lụt hoàn toàn do những trận lũ tàn phá Nam Sudan. Tuy nhiên, trong những đau khổ ấy, Giáo hội địa phương vẫn phát triển, với một giáo phận mới vừa được thành lập vào tháng Bảy vừa qua. Trong bối cảnh thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ, theo lời Tổng Giám mục Juba, “không ai được an toàn”, và việc quan tâm đến những tình huống như vậy là một vấn đề cũng như một nhu cầu mang tính quốc tế.
Sự nhiệt huyết của Thượng Hội đồng
Cuối cùng, Giám mục Luis Marín De San Martín, thuộc Dòng Augustinô, Phó Thư ký của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng và thành viên của Ủy ban Thông tin, đã phát biểu. Ngài nhấn mạnh những thách thức mà thế giới hiện đang phải đối mặt, đồng thời giải thích cách mà Thượng Hội đồng đang “đáp ứng” những câu hỏi lớn này. Thượng Hội đồng đang nuôi dưỡng một Giáo hội cởi mở, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, có khả năng đối diện với những vấn đề quan trọng và đáng quan tâm. “Mang câu trả lời của Đức Kitô đến với những bi kịch ngày nay” là trọng tâm của thông điệp của ngài, khi ngài nhấn mạnh bốn trụ cột cơ bản mà Giáo hội phải dựa vào: phải lấy Đức Kitô làm trung tâm, mang tinh thần huynh đệ, bao dung (“và những ai cho rằng”, trong Hội đồng Thượng Hội đồng này, “có sự tranh giành quyền lực thì đã sai. Điều đó không tồn tại”) và cuối cùng là phải năng động. “Giá mà chúng ta có thể chia sẻ nhiệt huyết của mình trong một thế giới đầy bi kịch.” Các cuộc đối thoại trong Thượng Hội đồng đã diễn ra qua những sự đối lập: tính hiệp hành và lắng nghe dấu chỉ của thời đại, thống nhất và đa dạng, trung tâm và ngoại vi. Lời mời gọi cuối cùng của ngài là đừng để mình bị nản lòng bởi “bi quan đôi khi đè nặng chúng ta.”
Yêu cầu phản hồi ngay lập tức
Trong suốt buổi họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi cho các vị khách mời. Về việc cụ thể hóa khái niệm “thống nhất trong đa dạng,” Hồng y Rueda Aparicio đã nhận thấy điều này đã có thể thấy rõ trong “phong cách Thượng Hội đồng” khác biệt và đầy sáng tạo, nơi các nữ tham dự viên Thượng Hội đồng đại diện cho chỉ số rõ ràng nhất của “sự mới mẻ và phát triển.” Về việc đưa ra câu trả lời cho những ai yêu cầu Thượng Hội đồng phản hồi ngay lập tức, Đức Cha Marín De San Martín đã đưa ra một so sánh với chính đức tin Kitô giáo: “đó là một trải nghiệm của Đức Kitô. Nếu chúng ta không sống nó, chúng ta sẽ không bao giờ” có thể sống hết mình. Tuy nhiên, và ở đây trong tầm nhìn của vị giám mục Dòng Augustinô này nằm ở “tiếng click nhấp chuột,” sự “thay đổi,” là cần thiết để toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng không chỉ còn là lý thuyết mà ngược lại, phải “thấm vào thực tế.” Trong ý nghĩa đó, các giáo xứ vẫn giữ vai trò quan trọng và trung tâm: “các cộng đoàn đầu tiên.”
Tài liệu cuối cùng và chế độ đa thê
Các khách mời cũng đã được hỏi về những cuộc thảo luận liên quan đến vai trò và quyền hạn của các giám mục. “Đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về điều này,” hồng y người Colombia thừa nhận, đồng thời lưu đến ý tư tưởng của Thánh Gioan XXIII rằng kho tàng đức tin vẫn “luôn luôn như vậy.” Tuy nhiên, vị Tổng Giám mục Bogotá nói rõ “nó phải thích ứng với mọi tình huống.” Sau đó, Hồng y đề cập lại vấn đề những khó khăn mà quê hương của ngài đang gặp phải, trong đó có một “sự phân cực độc hại,” có khả năng biến những cộng đồng có sự tương đồng thành “kẻ thù” của nhau.
Hồng y Aveline sau đó đã đưa ra một số gợi ý liên quan đến việc soạn thảo Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng. Ví dụ, “ủy ban tổng hợp” của ngài có “mục tiêu xác minh những gì được đề xuất làm văn bản để biểu quyết không đi quá xa khỏi những ý kiến được đưa ra trong những tuần làm việc này.” Cuối cùng, liên quan đến vấn đề đa thê, một phóng viên đã đề cập đến chuyến thăm hôm nay của vua eSwatini “với một trong những người vợ của ông” đến Đức Thánh Cha: Hồng y Mulla nhắc lại, giống như những nguồn thảo luận khác, vấn đề này chủ yếu liên quan đến Châu Phi, nhưng cần phải được giải quyết một cách “toàn diện.”
____________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: VATICAN NEWS