Bình an trong Chúa - Tết Nguyên Đán - Thánh lễ Giao Thừa, thứ Bảy

Bình an trong Chúa - Tết Nguyên Đán - Thánh lễ Giao Thừa, thứ Bảy

Bình an trong Chúa - Tết Nguyên Đán - Thánh lễ Giao Thừa, thứ Bảy

BÌNH AN TRONG CHÚA 

Ds 6,22-27; 1Tx 5,16-26.28; Mt 5,1-10 

Tết Nguyên Đán - Thánh lễ Giao Thừa, Thứ Bảy 21/01/2023

Lời chúc Tết chúng ta thường nói cho nhau nhiều nhất là cầu chúc sự bình an. Trong ngôn ngữ của niềm tin, chúng ta hay chúc cho nhau được “bình an trong Chúa”. Điều này có nghĩa là gì?

Trước hết, bài trích sách Dân Số cho thấy sự bình an ấy do từ mối tương giao thuận thảo với Chúa, do sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa.

“Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em,

và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn,

và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6,25-26).

Điều kế tiếp được thánh Phaolô nói đến trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica là sự bình an có được do biết nhìn bằng con mắt của đức tin, thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng cho mình, để luôn biết dâng lời tạ ơn Chúa. “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18).

Bình an không phải là không có chuyện gì bất trắc, là mọi sự đều diễn ra theo ý mình muốn. Bởi vì khi cầu xin như vậy, chúng ta sẽ thất vọng, vì không bao giờ chúng ta có được mọi thứ theo ý mình muốn cả! Vấn đề là biết nhìn ra con đường Chúa dẫn mình đi trong những diễn biến ấy, luôn thấy Thiên Chúa yêu thương mình, vì thế luôn biết tạ ơn. Đó là nguồn gốc của sự bình an trong Chúa.

Tin Mừng về Các Mối Phúc lại cho thấy toàn bất hạnh, đầy tai họa. Nhưng những người tin theo Chúa Kitô luôn thấy Thiên Chúa hiện diện ở đó và đưa mình tới hạnh phúc Nước Trời. Không những thế, các kitô hữu còn trở thành “người tác tạo hòa bình” (Mt 5.9), người biết mang lại bình an cho người khác. Như vậy, không những cầu xin sự bình an cho mình, kitô hữu còn được mời gọi trở thành thừa tác viên của Chúa để mang lại bình an cho người chung quanh, mang đến cho người khác sự bình an của Chúa khi sống tình yêu Chúa dạy.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn