Đứng trước những đe doạ của các nước chung quanh, lời của tiên tri Isaia vẫn là những lời đầy hy vọng. Vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện khi Ngài cứu chữa, nâng đỡ: “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35,4). Con đường mà Thiên Chúa mở ra cho dân là con đường không có thú dữ qua lại và cũng không có những kẻ điên dại đi vào, mà chỉ có những người được cứu thoát mà thôi (x. Is 35,8-9).
Bài Tin Mừng Luca về việc Đức Giêsu chữa cho người bại liệt được đưa từ mái nhà xuống cho thấy hai khuôn mặt: Đức Giêsu là người nhân ái, động lòng trước đau khổ của người khác và nhận ra lòng tin của bệnh nhân cùng những người thân thuộc; trong khi đó, các kinh sư và Pharisêô chỉ chờ chực để bắt lỗi Đức Giêsu, không quan tâm gì đến nỗi khổ đau của con người! Đức Giêsu thể hiện cách rõ ràng Ngài có quyền năng Thiên Chúa, hay nói cách khác, Ngài tự tỏ hiện như một vị Thiên Chúa khi nói lời tha tội (x. Lc 5,20). “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su nói với người bại liệt: Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!” (Lc 5,24). Quyền năng tha tội ấy được minh chứng bằng việc làm cho người bại liệt được chữa lành.
Thiên Chúa là Đấng cứu độ và ơn cứu độ lớn nhất chính là tha thứ tội lỗi của con người. Như thế, những người được coi là thuộc về Ngài cũng phải là những con người 12/11/2023nhân ái, biết nâng đỡ, ủi an người khác, là những người luôn tạo cho nhau niềm hy vọng. Những người được ví như “thú dữ” hoặc như “người điên dại” (x. Is 35,8-9), tức là những người chỉ tìm cách “cấu xé” người khác thì không phải là những người đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa! Những người được cứu độ do lòng thương xót của Thiên Chúa thì cũng phải trở nên những người nhân hậu, luôn khơi lên niềm hy vọng, mang lại sự ủi an.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn