Trong cách trình bày giáo lý, người ta thường phân biệt giữa giao ước đơn phương và giao ước song phương. Người ta gọi các giao ước giữa với Thiên Chúa với ông Nôê, rồi với ông Abraham là đơn phương, bởi vì chỉ có mình Thiên Chúa cam kết. Còn giao ước Sinai được coi là giao ước song phương, bởi vì chính dân Do Thái cũng phải cam kết giữ Mười Lời, tức là Mười Giới Răn. Còn giao ước được thực hiện nơi Đức Giêsu thì sao? Có người cho đó là giao ước song phương, bởi vì con người cũng phải hứa sống luật yêu thương.
Nhìn cách khác, tôi nghĩ rằng mọi giao ước đều là đơn phương, bởi vì đều do Thiên Chúa khơi lên và tự Ngài cam kết, không ai có quyền áp đặt gì Ngài cả. Những cam kết của con người thực ra không phải là sự trao đổi sòng phẳng để được Thiên Chúa thực hiện cho điều gì đó, nhưng chỉ là hệ quả đi sau. Bởi vì Thiên Chúa cam kết dành tình thương cho con người như vậy, nên con người tri ân và đáp lại cho thích ứng vậy thôi. Với giao ước mới và vĩnh cửu được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô thì điều này còn rõ ràng hơn nữa. Đó hoàn toàn là ân ban của Thiên Chúa, là sự sống được dành sẵn cho con người. Món quà sự sống ấy con người có được nhờ chính mạng sống của Con Thiên Chúa. Khi phạm tội, không phải là con người phải làm điều gì cho cân xứng để đền bù lại, nhưng chỉ là lòng sám hối. Thiên Chúa là người Cha giơ cánh tay ra đón con mình, không bận tâm đến lời xưng thú tội lỗi của con, như trong dụ ngôn Tình Phụ Tử (Lc 15). Giao ước được ghi vào lòng dạ và lề luật được ghi vào tâm khảm con người mà ông Giêrêmia nói đến chính là giao ước của những tấm lòng, của tình yêu thương. Người ta chỉ có thể sống giao ước của Đức Giêsu khi không dừng lại ở việc giữ luật, nhưng ở sự hiểu biết tấm lòng của Thiên Chúa và đáp lại bằng cách nào do được thúc đẩy từ trong lòng.
Trong tương quan với Thiên Chúa, không có sòng phẳng, chỉ là lòng tri ân. Do đó, lối sống trong giao ước là cảm nhận tấm lòng của Thiên Chúa và sống hết mình!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn