Thập Giá: Sự loại trừ và vòng tay mở rộng - Chúa Nhật Lễ Lá

Thập Giá: Sự loại trừ và vòng tay mở rộng - Chúa Nhật Lễ Lá

Thập Giá: Sự loại trừ và vòng tay mở rộng - Chúa Nhật Lễ Lá

THẬP GIÁ: SỰ LOẠI TRỪ VÀ VÒNG TAY MỞ RỘNG 

Mt 21,1-11; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14 – 27,66 

Chúa Nhật Lễ Lá, 02/04/2023

Với Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh. Nơi tuần lễ này, chúng ta chứng kiến vừa là sự thù oán và do đó, người ta có thể làm bất cứ điều gì để loại trừ Đức Giêsu; đồng thời cũng chứng kiến một Đức Giêsu của thập giá lại mở rộng vòng tay cho tất cả mọi người.

Với hình ảnh của người tôi tớ đau khổ trong Isaia, Đức Giêsu được nhìn thấy như người có “đôi tai của người môn đệ” (bài đọc 1) biết lắng nghe và sẵn sàng đi theo con đường của Thiên Chúa. Và như thế, Ngài chấp nhận chịu người đời sỉ nhục. Bài ca thứ tư về người tôi tớ này (Is 52,13-53,12) còn cho thấy Ngài đã mang lấy tội lỗi và đau khổ của chúng ta để cứu chúng ta.

Trình thuật trong Tin Mừng Matthêô về cuộc thương khó của Đức Giêsu cho thấy người ta mưu đồ để loại trừ Đức Giêsu cho bằng được. Ngay cả anh Giuđa, một trong số các môn đệ của Ngài lại dùng chính cái hôn để chỉ điểm cho lính bắt Thầy mình! Khi Đức Giêsu nhận mình là Con Thiên Chúa, thượng tế Caipha đã kết án Đức Giêsu làm phạm thượng, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mt 26,63 và 65). Các vị lãnh đạo thách thức Đức Giêsu xuống khỏi thập giá đi nếu là Con Thiên Chúa (x. Mt 27,43). Nhưng sau đó, khi Đức Giêsu tắt thở, màn trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi và động đất, viên chỉ huy và binh lính kêu lên: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (x. Mt 27,54). Đức Giêsu thể hiện sự thật Ngài là Con Thiên Chúa trong sự khiêm hạ của thập giá. Đó là một Đức Giêsu hy sinh cho người tội lỗi: “vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,28).

Tham vọng, sự gian ác khiến người ta loại trừ người khác, và có khi gây ra tội ác nữa! Còn Đức Giêsu, trong sự khiêm hạ thì lại giơ tay ra ôm lấy mọi người. Đức Giêsu được diễn tả trong thư Philipphê là hạ mình xuống tận cùng, từ khước vinh quang Thiên Chúa, thì lại được Thiên Chúa tôn vinh. Thánh Phaolô dùng những lời ấy để làm gương cho cộng đoàn Philipphê đang chia rẽ nhau vì lòng tự phụ. Phải chăng đó cũng là lời mời gọi cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta hôm nay rằng hãy từ bỏ tham vọng, sự kiêu hãnh của mình, vì chúng đang gây chia rẽ giữa người với người, đang giết hại nhau, nhưng hãy sống như Chúa Giêsu, khiêm hạ và vị tha, để có thể nối kết với người chung quanh.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn