Thánh Thần đến qua lỗ tai. Cách nói xem ra kỳ lạ và khó nghe! Nhưng mỗi khi kết thúc bài giảng, Đức Giêsu cũng thường nói: Ai có tai thì hãy nghe! Nãy giờ thính giả đang nghe, mà sao Đức Giêsu lại nói ai có tai thì hãy nghe?! Bởi vì người ta nghe mà không nghe thấy, nhìn mà cũng không nhìn thấy! Đó là cách nói cho thấy những lời mình nghe qua lỗ tai có đến được với tâm hồn hay không.
Điều này được nhìn thấy qua hình ảnh những đứa trẻ trong Tin Mừng: có những đứa trẻ thổi sáo vui tươi thì những đứa khác lại không nhảy mừng; còn khi nghe hát những bài than vãn, thì chúng cũng không khóc lóc! Đó là cách mà người ta phản ứng trước giáo huấn của ông Gioan Tiền Hô và của Đức Giêsu. Người nghe không cùng một nhịp với lời rao giảng, nhưng phản kháng!
Hoàn cảnh của thời lưu đày không có Đền Thờ và lễ tế, được các tiên tri tận dụng để kêu mời dân Do Thái hãy trở về với Lời Chúa mà người Do Thái gọi tên là Torah. Tiên tri Isaia nói rằng ai nghe lời Chúa dạy thì được bình an và được Chúa chúc lành cho cuộc sống.
Sự phản kháng của tâm hồn được gán cho lỗ tai và con mắt khi nói: “nghe ngứa lỗi tai”, “nghịch nhĩ”, “nhìn ngứa con mắt”… Nhưng Thánh Thần lại đến với chúng ta qua lỗ tai và con mắt ấy, để khơi lên nơi chúng ta một điều gì đó. Làm sao để đừng có một tâm hồn phản kháng thì mới có thể đón nhận gợi ý của Thánh Thần. Người dễ phản kháng có nguy cơ là người nông cạn. Người biết điềm tĩnh khi lắng nghe, khi nhìn thấy, để rồi suy nghĩ, có là người có chiều sâu. Đức Maria đã là người như vậy.
Hãy có một tâm hồn dễ bảo với Thánh Thần qua những điều nghe được, thấy được nơi anh chị em của mình hàng ngày. Mùa Vọng mời gọi tín hữu để ý đến những điều giản dị hàng ngày ấy.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn