Con người chúng ta thường nghĩ đến sự quy tụ của quyền lực. Ai có sức mạnh lớn, có chức quyền cao, có tiền của nhiều, thì khả năng quy tụ cao. Nhưng xem ra thì Thiên Chúa đi con đường ngược lại, trong khi con người vẫn cứ nghĩ về Thiên Chúa giống như con người, vẫn muốn Thiên Chúa là Đấng đầy quyền lực, là máy ATM ban phát cho con người bất cứ thứ gì họ cầu xin!
Như người đương thời, ông Gioan Tiền Hô cũng nghĩ về Đấng Messia là người có quyền xét xử và trừng phạt. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là ông lại hai lần nói về Đức Giêsu như là Đấng Messia mang dáng vẻ hiến tế. Một lần nói với mọi người và lần khác nói riêng với các môn đệ rằng Đức Giêsu chính là “chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (x. Ga 1,29 và 36). Hình ảnh con chiên, con dê hiến tế được dùng theo nghĩa tế tự của Do Thái giáo, trong đó những con vật ấy được coi là mang lấy tội lỗi thay cho dân.
Bài đọc thứ nhất trích trong Isaia chương 49 được viết trong thời lưu đày mô tả về người tôi trung của Chúa, là người quy tụ dân Do Thái đang bị tản mát do lưu đày, và con hơn nữa, giữa đất lưu đày của một đế quốc Babilon hùng mạnh, vị này còn quy tụ cả dân ngoại này về cho Thiên Chúa: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49,6).
Thật là khó hiểu con đường của Thiên Chúa khi Ngài quy tụ mọi người bằng sự khiêm hạ, nhục nhằn, trở nên sự hiến tế. Thế mà tất cả những điều ấy đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh. Ngay cả trong đời sống của Giáo Hội, của các cộng đoàn đức tin, của các gia đình, chúng ta có thể thường xuyên nói về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, treo tượng thánh giá, nhưng chúng ta vẫn muốn khuất phục người khác bằng quyền lực, bằng sức mạnh, bằng sự giàu có! Chúng ta vẫn thấy sự khiêm hạ, sự hiến tế là khiếp nhược! Nhưng quyền năng Thiên Chúa lại được thể hiện trong sự yếu đuối của con người.
“Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1,25)
“Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi.” (1Cr 4,10)
Không biết đến bao giờ, kitô hữu chúng ta mới hiểu được tính chất mạnh mẽ nơi sự yếu đuối?!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn