Ngày Mùng Hai Tết năm nay trùng với Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân. Năm nay, Đức Thánh Cha chọn chủ đề: “Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2,18). Chủ đề này giúp chúng ta suy nghĩ về ngày mùng hai hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những vị đã qua đời hay còn sống.
Với sự biến đổi quá nhanh của cuộc sống hôm nay, người ta dễ cho rằng thời đại của mình là tiến bộ, nên dễ chê bai thời trước và có khi coi thế hệ đi trước là cản trở cho sự tiến bộ hôm nay. Ngược lại, những người thuộc thế hệ đi trước cũng dễ trách móc thế hệ đi sau vì những thay đổi quá lớn và quá nhanh. Rốt cuộc, tư tưởng về sự loại trừ phổ biến hơn là sự tiếp nối.
Lời Chúa trong sách Huấn Ca hôm nay theo hướng khác, nói về sự tri ân giữa các thế hệ; thánh Phaolô trong thư Êphêsô thì nói về sự tôn trọng giữa các thế hệ: con cái tôn kính cha mẹ và cha mẹ cũng đừng làm cho con cái tức giận (x. Ep 6,2-3). Giữa các thế hệ, không phải là sự đứt đoạn nhưng là sự liên tục. Tại sao chúng ta cứ trách móc nhau, đả kích và loại trừ nhau như vậy?! Mỗi thế hệ có những thách thức phải đối diện và họ hoàn thành trách nhiệm của mình trong những giới hạn của thời đại mình. Thế hệ trước hãy nghĩ đến thế hệ sau bằng cách giúp họ đảm nhận trách nhiệm trước những thách thức mới của thời đại; và thế hệ sau hãy đón nhận những giới hạn của thời đại trước đó, vì dù sao họ cũng đã đảm nhận trách nhiệm của họ, và bây giờ, thế hệ đi sau hãy tiếp bước cha ông. Thế hệ đi trước có những điều hay mà thế hệ đi sau đã bỏ mất, thì cần bổ túc lại; còn thế hệ đi sau với những hoàn cảnh mới, nên có những biến chuyển mới, đi xa hơn, mà ông bà, cha mẹ cần khích lệ họ.
Với ông bà, cha mẹ lớn tuổi, sau quãng đời dài nay đã già yếu, cũng cần sự “tiếp nối” bằng thái độ đón nhận, yêu thương và chăm sóc. Thế hệ đi sau cần diễn tả lòng tri ân và đón nhận trong việc chăm sóc cho ông bà, cha mẹ. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng nói người già yếu đừng mặc cảm, nhưng hãy bình an khi bày tỏ mình cần đến sự quan tâm của con cháu.
“Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2,18). Tất cả chúng ta đều cần đến nhau. Thái độ trân trọng, đón nhận và sống cho nhau làm cho con người trở nên người hơn, mang tính nhân văn hơn.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn