Nếu cái chết của các vị tử đạo được coi là những trang sử anh hùng, thì đồng thời đó cũng là những trang sử ô nhục của bạo lực, của sự tàn sát giữa những người đồng chủng, là những trang sử của sự chia rẽ trong cùng một dân tộc! Đối diện với quyền lực, gươm giáo, thù hận của những nhà cầm quyền lúc bấy giờ là những con người không một tấc sắt trong tay nhưng lại là những vị anh hùng, anh hùng mà không dùng đến bạo lực, nhưng hết sức dịu hiền; những con người bị giết chết nhưng lại sống mãi trong lòng người!
Tại sao người ta lại có thể đối xử dã man với nhau như vậy?! Dù có bất cứ lý do nào, người ta cũng không được cử xử với đồng loại bằng bạo lực và giết chóc như vậy!!!
Thử hỏi tại sao các vị tử đạo không đáp lại bạo lực bằng bạo lực? – Bởi vì tử đạo là hành vi diễn tả niềm tin và tình yêu. Bảy anh em trong sách Macabê ý thức mình được tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên nếu sẵn sàng hy sinh tính mạng để trung thành với Ngài, thì sẽ được Ngài trả lại cho sự sống (x. 2Mcb 7,39). Thánh Phaolô viết cho tín hữu Roma rằng: kitô hữu biết Thiên Chúa đã yêu thương mình, đã hy sinh tính mạng vì mình, thì họ cũng không bao giờ rời bỏ tình yêu ấy, họ cũng sẽ trung tín trong mọi cơn gian nan: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8,35). Nếu lý do của tử đạo là niềm tin vào Thiên Chúa và muốn trung thành đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, thì không thể có bạo lực nơi các vị tử đạo. Và những người bị giết này đã tin rằng: chỉ có thể xây dựng thế giới này bằng tình yêu chứ không phải bằng bạo lực, giết chóc!
“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24). Khi dám hy sinh vì tình yêu, vì Đấng là Tình Yêu, thì con người sẽ có lại sự sống. Và người tử đạo trong đời sống hàng ngày là người từ khước bạo lực của lời nói, của hành vi, bởi vì họ yêu mến Thiên Chúa.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn