Người mang thương tích cho ta được chữa lành - Thứ Sáu Tuần Thánh

Người mang thương tích cho ta được chữa lành - Thứ Sáu Tuần Thánh

Người mang thương tích cho ta được chữa lành - Thứ Sáu Tuần Thánh

NGƯỜI MANG THƯƠNG TÍCH CHO TA ĐƯỢC CHỮA LÀNH 

Is 52,13 – 53,12; Hr 4,14-16; 5,7-9; Ga 18,1 - 19,42 

Thứ Sáu Tuần Thánh, 07/04/2023

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).

Người Tôi Trung của Đức Chúa trong bài ca thứ tư của tiên tri Isaia được mô tả là người gánh lấy biết bao đau khổ, khinh khi, bệnh tật. Người ta tưởng đó là hậu quả do tội lỗi của chính ngài, nhưng thật ra là ngài mang lấy tội lỗi của người khác. Không dừng lại ở đó, bài ca trình bày xa hơn khi nói rằng lúc ngài mang thương tích vì tội lỗi người khác, thì ngài lại có thể chữa lành thương tích của họ. Và đó mới là hiệu quả cứu độ của cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Ngài không cùng chịu đau khổ với con người để an ủi họ, nhưng là để chữa lành, để vực con người lên. Đây chính là con đường của Chúa Giêsu Kitô.

Phản ứng tự nhiên của con người là ai đổ oan cho tôi thì tôi phản kháng kịch liệt, tôi cự cãi, chứng tỏ cho thấy chính họ hoặc người khác mới là người có lỗi! Ai chèn ép tôi, tôi chèn ép lại và cho họ chịu hậu quả còn tai hại hơn nữa! Ai nóng nảy, dùng lời lẽ bạo lực với tôi, tôi sẽ cãi cho bằng được, rồi cuộc cãi vã lớn hơn và căng thẳng sinh ra giữa hai người...! Cách phản ứng này làm cho sự sai trái ban đầu càng trở nên sai trái và tồi tệ hơn! Cuối cùng là đổ vỡ, rạn nứt, tránh mặt hoặc thù hằn, tiêu diệt lẫn nhau!

Chúa Giêsu Kitô đi con đường khác, và người ta coi đó là con đường khiếp nhược, con đường của kẻ yếu! Ngay cả sự tha thứ, lòng thương xót của Chúa cũng bị coi là yếu đuối: phải phạt cho chúng biết chúng sai, cho chúng chừa, vì “thuốc đắng thì giã tật”! Nhưng phải chăng kinh nghiệm của mỗi người chúng ta là chính cách ứng xử đó của Chúa đã và đang chữa lành chúng ta?! Cuộc đời chúng ta như ngọn đèn leo lét đã không bị làm cho tắt hẳn, như cây lau bị giập nhưng không bị chà đạp dưới chân! Một Mađalêna, một Giakêu, một Lêvi đã không bị ném đá, bị loại trừ, nhưng đã được bênh vực và đỡ cho đứng lên. Đó chính là sức mạnh của điều mà người ta coi là yếu đuối.

Tôi có đủ tin tưởng vào sự hiền lành, vào lòng kiên nhẫn, vào thái độ cưu mang lấy những người còn mang đầy khuyết điểm, giới hạn không? Câu hỏi này cần được đưa đi xa hơn nữa: tôi có đủ tin tưởng vào con đường của Thiên Chúa và bắt chước Ngài để cư xử với anh chị em cùng một cách thức như vậy không, là cách thức mà chính tôi cũng đã từng được Thiên Chúa cư xử.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn