Sự hiệp thông và tham gia mà Giáo Hội mời gọi mọi kitô hữu được đặt dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể: đó là một Thiên Chúa can dự vào kiếp người và vào lịch sử nhân loại. Đó là một “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Emmanuel, Mt 1,23) cách trọn vẹn nhất, đúng nghĩa nhất. Từ ngữ “can dự” cho thấy Ngôi Lời Thiên Chúa cùng chung vận mệnh với con người nữa.
Ngôi Lời can dự bằng cách làm người, mang lấy bản tính con người với những giới hạn của nó. Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,7).
Người can dự vào kiếp người theo nghĩa chấp nhận là nạn nhân của chính tội ác con người: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8). Một Thiên Chúa chịu chết, đó là điều mà nhiều người trong dòng lịch sử Giáo Hội đã không thể chấp nhận được. Cách Người can dự vào kiếp người vượt xa những gì mà con người có thể tưởng tượng và dám tưởng tượng!
Không dừng lại ở thân phận một con người riêng lẻ, Ngôi Lời Thiên Chúa còn can dự vào dòng lịch sử nhân loại nữa. Ngôi Lời nhập thể vượt trên sự can dự vào lịch sử của dân tộc Do Thái (x. Mt 1,1, gia phả Đức Giêsu được kể đến Abraham), Người còn can dự vào lịch sử toàn thể nhân loại nữa (x. Lc 3,38 kể gia phả lên đến Adam). Như vậy là từ nay, những gì liên hệ đến con người cũng là can dự đến Thiên Chúa!
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại.” (Hiến chế Mục Vụ, 1).
Giáo Hội từ Vaticanô II đã ý thức rõ về tính chất “giây mình vào” của những môn đệ Chúa Kitô. Chính điều này khiến nhiều chính quyền độc tài lo lắng, và do đó cũng khiến nhiều kitô hữu trở thành những vị tử đạo vì công lý được Giáo Hội ngày nay nhìn nhận.
Khi nào tôi lo giữ sự an toàn cho bản thân, sợ hiểu lầm, sợ liên luỵ… là tôi đang đi ngược lại với mầu nhiệm Nhập Thể, nơi mà Thiên Chúa giây mình vào cuộc sống con người! Khi nào tôi sống cách thụ động trong gia đình của mình, trong cộng đoàn của mình, chỉ lo tìm kiếm đạo đức cá nhân, đó là tôi đang trở nên dửng dưng với Thiên Chúa làm người và chịu chết vì nhân loại mà trong đó có tôi!