Trước câu hỏi: “Lòng người đáng sợ hay đáng quý?”, người ta có thể đưa ra hai câu trả lời khác nhau và đối nghịch nhau. Vậy phải chăng lòng người vừa gian ác vừa tốt lành?
Đức Giêsu nói rằng thức ăn không làm cho người ta ra nhơ uế như luật Do Thái dạy, nhưng điều làm cho người ta nhơ uế là những gian tà từ lòng con người mà ra. Đức Giêsu không theo chủ trương duy tâm hay duy chủ quan, nhưng Ngài bác bỏ chủ trương duy hình thức nơi những thứ luật được cắt nghĩa theo kiểu con người. Nhiều khi người ta cắt nghĩa luật Thiên Chúa đến độ đối nghịch với luật của Thiên Chúa, ví dụ lối giải thích về của dâng cúng cho Thiên Chúa đưa đến thái độ chà đạp lòng hiếu thảo với mẹ cha (x. Mc 7,8-13).
Tại sao có những chủ trương mang nặng tính hình thức như vậy? Phải chăng người ta muốn tìm kiếm sự thánh thiện của bản thân, sự an toàn cho bản thân qua việc giữ luật, nên đưa đến chủ trương duy luật lệ? Và khi tìm kiếm chính mình như thế, người ta lại chà đạp người chung quanh! Điều này không chỉ nhìn thấy nơi cách sống nệ luật của nhiều người người Do Thái ngày xưa, nhưng còn thấy nơi nhiều kitô hữu, nhiều người sống đời thánh hiến trong Giáo Hội nữa! Như vậy, không chỉ những toan tính gian dối, trộm cắp, giết người... mới làm cho người ta ra nhơ uế, mà ngay cả những chủ trương được giương biểu ngữ đạo đức cũng do từ lòng tà của con người mà ra!
Bài trích sách Sáng Thế cho thấy chính Thiên Chúa ban cho dòng nước, trồng vườn cây..., rồi trao nhiệm vụ canh tác cho con người. Vậy nếu con người biết tìm nguồn sự sống, sự phát triển từ nơi Thiên Chúa, thì mọi điều tốt lành nơi chính lòng người mà Thiên Chúa đã gieo vào đó cũng sẽ sinh ra điều tốt lành. Còn nếu con người loại trừ Thiên Chúa mà chạy theo lòng tà của mình, thì sự chết sẽ lớn lên. Vậy, lòng người đáng quý nếu biết làm lớn lên những gì Thiên Chúa gieo vào lòng người, biết làm theo những thúc đẩy từ Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn