“Những nhà thừa sai của niềm hy vọng giữa các dân tộc”: đây là chủ đề của Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 99, sẽ diễn ra vào ngày 19/10/2025. Trong khuôn khổ của Năm Thánh về Niềm Hy vọng, Đức Phanxicô đã công bố Sứ điệp của mình nhân dịp này, đồng thời nhắc nhở rằng các nhà thừa sai phải là người cưu mang và xây dựng niềm hy vọng trong những xã hội đang thiếu nó trầm trọng. Chính nhờ cầu nguyện, Thánh Thể và đời sống cộng đoàn mà họ có thể tiến về phía trước, và Đức Thánh Cha đặc biệt nêu bật mẫu gương của ĐHY Nguyễn Văn Thuận về những điều này trong việc duy trì « niềm hy vọng mãnh liệt » giữa cuộc sống gian truân trong nhà tù. Cuối cùng, ngài kêu gọi : « Tôi kêu gọi tất cả anh chị em, trẻ em, người trẻ, người lớn, người già, hãy tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo chung qua chứng tá cuộc sống và lời cầu nguyện, qua sự hy sinh và lòng quảng đại của anh chị em ».
Anh chị em thân mến !
Đối với Ngày Thế giới Truyền giáo trong Năm Thánh 2025, với sứ điệp trọng tâm là niềm hy vọng (x. Sắc chỉ Spes non confundit, số 1), tôi đã chọn khẩu hiệu này: “Những nhà thừa sai của niềm hy vọng giữa các dân tộc”. Nó nhắc nhở mỗi Kitô hữu và Giáo hội, cộng đồng những người được rửa tội, về ơn gọi nền tảng trong việc bước theo Chúa Kitô là trở thành những sứ giả và những người xây dựng niềm hy vọng. Tôi cầu chúc mọi người một thời gian ân sủng với Thiên Chúa trung thành, Đấng đã tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô phục sinh “để có niềm hy vọng sống động” (x. 1 Pr 1, 3-4). Tôi muốn nhắc lại một số khía cạnh thích đáng của căn tính thừa sai Kitô hữu, để chúng ta để cho Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn và để chúng ta bừng cháy lòng nhiệt thành thánh thiện cho một mùa truyền giáo mới của Giáo hội, được sai đi để làm sống lại niềm hy vọng trong một thế giới đang bị bóng tối bao trùm (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 9-55).
1. Theo bước chân Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta
Khi cử hành Năm Thánh thường lệ đầu tiên của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, sau Năm Thánh năm 2000, chúng ta hướng nhìn về Chúa Kitô, Đấng là trung tâm của lịch sử, “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8). Tại hội đường Nazareth, Người đã tuyên bố sự ứng nghiệm của Thánh Kinh vào “ngày hôm nay” của sự hiện diện lịch sử của Người. Như thế, Người đã mặc khải mình là Đấng được Chúa Cha sai đến, với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, để mang Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và để khai mạc “năm hồng ân của Chúa” cho toàn thể nhân loại (x. Lc 4, 16-21).
Trong cái “ngày hôm nay” huyền nhiệm kéo dài cho đến tận thế này, Chúa Kitô là sự hoàn thành ơn cứu độ cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những ai mà niềm hy vọng duy nhất của họ là Thiên Chúa. Trong cuộc sống trần thế của mình, Người “đi khắp nơi làm điều thiện và chữa lành mọi người” khỏi sự dữ và Ma quỷ (x. Cv 10, 38), mang lại niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho những người nghèo khổ và dân chúng. Hơn nữa, Người đã trải nghiệm mọi sự yếu đuối của con người, ngoại trừ tội lỗi, thậm chí trải qua những thời điểm quyết định có thể dẫn đến tuyệt vọng, chẳng hạn trong cơn hấp hối ở Vườn Ghếtsêmani và trên thập giá. Nhưng Chúa Giêsu đã phó thác mọi sự cho Thiên Chúa Cha, bằng cách hoàn toàn tin tưởng tuân theo kế hoạch cứu độ của Ngài dành cho nhân loại, một kế hoạch hòa bình cho một tương lai tràn đầy hy vọng (x. Gr 29,11). Do đó, Người đã trở thành vị Thiên Chúa Thừa Sai của niềm hy vọng, mẫu mực tối cao của những người, qua nhiều thế kỷ, thực hiện sứ mạng nhận được từ Thiên Chúa, ngay cả trong những thử thách tột cùng.
Qua các môn đệ của mình, được sai đến với mọi dân tộc và được Người đồng hành một cách mầu nhiệm, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ hy vọng cho nhân loại. Người vẫn cúi xuống trên từng người nghèo khó bị sự dữ làm sầu khổ, tuyệt vọng và hao mòn, để đổ “dầu an ủi và rượu hy vọng lên vết thương của họ” (Lời tựa “Chúa Giêsu Người Samaritanô nhân hậu”). Vâng lời Chúa và Thầy của mình và với cùng một tinh thần phục vụ, Giáo hội, cộng đồng các môn đệ – thừa sai của Chúa Kitô, nối dài sứ mạng này, hiến dâng cuộc sống của mình cho tất cả mọi người giữa các dân tộc. Một mặt, dù phải đối mặt với những sự bắt bớ, hoạn nạn và khó khăn và, mặt khác, những sự bất toàn và sa ngã của chính mình do sự yếu đuối của mỗi thành viên, nhưng Giáo hội không ngừng được tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy tiến tới trong sự kết hiệp với Người trên con đường truyền giáo này và gánh lấy, như Người và với Người, tiếng kêu của nhân loại, và cả tiếng rên xiết của mọi thụ tạo đang mong đợi sự cứu chuộc cuối cùng. Đây là Giáo hội mà Chúa luôn luôn và mãi mãi mời gọi bước theo bước chân của Người: “Không phải là một Giáo hội tĩnh tại, [mà] là một Giáo hội thừa sai, bước đi với Chúa trên các nẻo đường của thế giới” (Bài giảng Thánh lễ bế mạc Đại hội thường kỳ Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 27 tháng 10 năm 2024).
Do đó, chúng ta hãy cảm thấy được truyền cảm hứng bước theo bước chân Chúa Giêsu để trở thành, với Người và trong Người, những dấu chỉ và sứ giả của niềm hy vọng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta sống. Ước gì tất cả những người được rửa tội, những môn đệ-truyền giáo của Chúa Kitô, hãy làm cho niềm hy vọng của Người được tỏa sáng khắp mọi nơi trên trái đất!
2. Kitô hữu, những người cưu mang và xây dựng niềm hy vọng giữa các dân tộc
Khi bước theo Chúa Kitô, các Kitô hữu được mời gọi truyền đạt Tin Mừng bằng cách chia sẻ những điều kiện sống cụ thể của những người họ gặp và nhờ đó trở thành những người cưu mang và xây dựng niềm hy vọng. Thật vậy, “niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người thời nay, đặc biệt của người nghèo và của tất cả những người đau khổ, cũng là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự của con người mà không tìm thấy vang vọng trong tâm hồn họ” (Gaudium et spes, số 1).
Lời khẳng định nổi tiếng này của Công đồng Vatican II, vốn diển tả tâm tình và phong cách của các cộng đồng Kitô hữu vào mỗi thời đại, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thành viên của mình và giúp họ bước đi cùng anh chị em mình trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến anh chị em, những nhà thừa sai ad gentes, những người, theo tiếng gọi của Thiên Chúa, đã ra đi đến các dân tộc khác để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được biết đến trong Chúa Kitô. Hết lòng cảm ơn anh chị em! Cuộc sống của anh chị em là một câu trả lời cụ thể cho lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Mt 28, 18-20). Vì vậy, anh chị em nhớ lại ơn gọi phổ quát của những người đã được rửa tội để trở thành giữa các dân tộc, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự dấn thân hàng ngày, những nhà thừa sai của niềm hy vọng lớn lao mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.
Chân trời của niềm hy vọng này vượt xa những thực tại trần thế phù du và mở ra cho những thực tại thần linh mà chúng ta đã thấy trước trong hiện tại rồi. Thật vậy, như Thánh Phaolô VI đã nhắc nhở, ơn cứu độ trong Chúa Kitô, mà Giáo hội mang lại cho mọi người như một ân huệ của lòng thương xót của Thiên Chúa, không chỉ “nội tại, đáp ứng các nhu cầu vật chất hoặc thậm chí tinh thần […] hoàn toàn đồng nhất với những ước muốn, hy vọng, công việc và những đấu tranh trần thế, nhưng còn là một ơn cứu độ vượt quá mọi giới hạn này để được hoàn thành trong sự hiệp thông với Đấng Tuyệt đối duy nhất, là chính Thiên Chúa: ơn cứu độ siêu việt, cánh chung, chắc chắn có khởi đầu từ đời này, nhưng được hoàn thành trong cõi đời đời” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 27).
Được thúc đẩy bởi một niềm hy vọng lớn lao như vậy, các cộng đồng Kitô hữu có thể là dấu chỉ của một nhân loại mới trong một thế giới mà, ở những khu vực “phát triển” hơn, đang bộc lộ những triệu chứng khủng nghiêm trọng của con người: một cảm giác lan rộng của rối loạn, cô đơn và bỏ rơi người già, những khó khăn trong việc tìm thấy sự sẵn sàng giúp đỡ những người sống bên cạnh. Ở những quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất, sự gần gũi đang biến mất: tất cả chúng ta đều kết nối với nhau, nhưng chúng ta không có tương quan. Hiệu quả cũng như sự gắn bó với các sự vật và tham vọng khiến chúng ta chỉ tập trung vào bản thân và không có khả năng về lòng vị tha. Tin Mừng, được sống trong cộng đoàn, có thể mang lại cho chúng ta một nhân tính toàn vẹn, lành mạnh và được cứu chuộc.
Do đó, tôi nhắc lại lời mời gọi thực hiện các hành động được nêu ra trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh (x. số 7-15), đặc biệt chú ý đến những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, những người bệnh tật, người già, những người bị loại trừ khỏi xã hội duy vật và tiêu thụ. Và làm điều đó theo phong cách của Thiên Chúa: với sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng, quan tâm đến mối quan hệ cá nhân với anh chị em trong hoàn cảnh cụ thể của họ (x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 127-128). Vì thế, thông thường, chính họ sẽ dạy chúng ta sống với niềm hy vọng. Và thông qua sự tiếp xúc cá nhân, chúng ta sẽ có thể truyền đạt tình yêu của Trái Tim trắc ẩn của Chúa. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được rằng “Trái Tim Chúa Kitô […] là cốt lõi sống động của lời rao giảng tiên khời” (Thông điệp Dilexit nos, số 32). Thật vậy, khi kín múc từ nguồn mạch này, chúng ta có thể mang lại một cách đơn sơ niềm hy vọng nhận được từ Thiên Chúa (x. 1 Pr 1, 21), mang đến cho người khác chính niềm an ủi mà chúng ta được Thiên Chúa an ủi (x. 2 Cr 1, 3-4). Trong Trái Tim nhân loại và thần linh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn mỗi người, thu hút mỗi người đến với Tình Yêu của Người. “Chúng ta được sai đi để tiếp tục sứ mạng này: trở thành dấu chỉ của Trái Tim Chúa Kitô và của tình yêu của Chúa Cha, ôm lấy toàn thế giới” (Diễn văn cho các tham dự viên Đại hội các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, ngày 3 tháng 6 năm 2023).
3. Đổi mới sứ mạng hy vọng
Trước sự cấp bách của sứ mạng hy vọng ngày nay, các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi ưu tiên tự đào tạo mình để trở thành những “nghệ nhân” của niềm hy vọng và những người phục hồi một nhân loại thường bị xao lãng và bất hạnh.
Với mục đích này, cần phải đổi mới nơi mình linh đạo Vượt Qua mà chúng ta sống trong mỗi cử hành Thánh Thể và đặc biệt trong Tam Nhật Vượt Qua, trung tâm và đỉnh cao của Năm Phụng vụ. Chúng ta được rửa tội trong cái chết và sự phục sinh cứu chuộc của Chúa Kitô, trong Lễ Vượt Qua của Chúa vốn đánh dấu mùa xuân vĩnh cửu của lịch sử. Như thế, chúng ta là “những người của mùa xuân”, với một cái nhìn luôn tràn đầy hy vọng để chia sẻ với tất cả mọi người, bởi vì trong Chúa Kitô “chúng ta tin và biết rằng cái chết và hận thù không phải là những lời cuối cùng” trên cuộc sống của con người (x. Bài Giáo lý, ngày 23 tháng 8 năm 2017). Đó là lý do tại sao, từ các mầu nhiệm Phục Sinh được hiện thực hóa trong các cử hành phụng vụ và trong các bí tích, chúng ta liên tục kín múc sức mạnh của Chúa Thánh Thần với lòng nhiệt thành, quyết tâm và kiên nhẫn để làm việc trong lĩnh vực rộng lớn loan báo Tin Mừng cho thế giới. “Chúa Kitô phục sinh và vinh hiển là nguồn hy vọng sâu xa của chúng ta, và sự trợ giúp của Người sẽ không thiếu cho chúng ta trong việc hoàn thành sứ mạng mà Người ủy thác cho chúng ta” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 275). Trong Người, chúng ta sống và làm chứng cho niềm hy vọng thánh thiện này, vốn là “một hồng ân và một nhiệm vụ đối với mỗi Kitô hữu” (La speranza è una luce nella notte, Città del Vaticano 2024, trang 7).
Các nhà thừa sai của niềm hy vọng là những người nam và người nữ cầu nguyện, bởi vì “người hy vọng là người cầu nguyện”, như Đấng Đáng Kính Hồng y Văn Thuận nhấn mạnh, người đã giữ niềm hy vọng mãnh liệt suốt thời gian dài gian truân trong nhà tù nhờ sức mạnh ngài nhận được từ lời cầu nguyện kiên trì và Bí tích Thánh Thể (x. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, Rôma 2001, số 963). Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên và đồng thời là “sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng” (Bài Giáo lý, ngày 20 tháng 5 năm 2020).
Do đó, chúng ta hãy đổi mới sứ mạng hy vọng từ lời cầu nguyện, nhất là lời cầu nguyện dựa vào Lời Chúa và đặc biệt từ các Thánh vịnh, vốn là một bản giao hưởng cầu nguyện tuyệt vời mà tác giả là Chúa Thánh Thần (x. Bài Giáo lý, ngày 19 tháng 6 năm 2024). Các Thánh vịnh dạy chúng ta hy vọng trong nghịch cảnh, phân định các dấu chỉ hy vọng và có một ước muốn “truyền giáo” liên lỉ để mọi dân tộc ca ngợi Thiên Chúa (x. Tv 41, 12; 67, 4). Khi cầu nguyện, chúng ta tiếp tục thắp sáng tia hy vọng được Thiên Chúa thắp sáng trong chúng ta, để nó trở thành ngọn lửa lớn soi sáng và sưởi ấm mọi thứ xung quanh, kể cả bằng những hành động và cử chỉ cụ thể được gợi hứng từ lời cầu nguyện.
Cuối cùng, việc loan báo Tin Mừng luôn là một quá trình mang tính cộng đồng, như đặc tính của niềm hy vọng Kitô giáo (x. Bênêđíctô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 14). Quá trình này không kết thúc bởi lời rao giảng tiên khởi hay bí tích rửa tội, nhưng nó tiếp tục với việc xây dựng các cộng đồng Kitô hữu qua việc đồng hành với mỗi người đã được rửa tội trên con đường Tin Mừng. Trong xã hội hiện đại, việc thuộc về Giáo hội không bao giờ là một thực tại được thủ đắc một lần cho tất cả. Do đó, hành động truyền giáo nhằm truyền đạt và đào luyện đức tin trưởng thành vào Chúa Kitô là “mô hình của mọi công trình của Giáo hội” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 15), một công trình đòi hỏi sự hiệp thông cầu nguyện và hành động. Một lần nữa tôi nhấn mạnh đến tính hiệp hành truyền giáo này của Giáo hội, cũng như sự phục vụ của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong việc thúc đẩy trách nhiệm truyền giáo của những người đã được rửa tội và hỗ trợ các Giáo hội địa phương mới. Và tôi kêu gọi tất cả anh chị em, trẻ em, người trẻ, người lớn, người già, hãy tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo chung qua chứng tá cuộc sống và lời cầu nguyện, qua sự hy sinh và lòng quảng đại của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì tất cả điều này!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mong ước này cho Năm Thánh và những năm sắp tới: “Cầu mong ánh sáng của niềm hy vọng Kitô giáo đạt tới mỗi người như một thông điệp về tình yêu của Thiên Chúa gửi đến tất cả mọi người! Cầu mong Giáo hội trở thành chứng nhân trung thành cho lời loan báo này ở mọi nơi trên thế giới! » (Sắc chỉ Spes non confundit, số 6).
Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 01 năm 2025, Lễ Thánh Phaolô, Tông đồ, trở lại.
PHANXICÔ
Tý Linh chuyển ngữ
nguồn : vatican.va