Nếu như Chúa Nhật III Thường Niên được chọn là “Chúa Nhật Lời Chúa”, thì theo tôi nghĩ, Chúa Nhật V Thường Niên này là Chúa Nhật về người rao giảng Lời Chúa. Thật vậy, các bài Sách Thánh hôm nay gợi ý cho chúng ta về người rao giảng.
Điều đầu tiên mà người rao giảng cần có là sự thanh tẩy. Ông Isaia đã thị kiến thấy Thiên Chúa và ông thấy mình bất xứng. Cách nói “miệng lưỡi ô uế” (Is 6,5) của ông để chỉ toàn bộ con người ô uế. Bởi vì đoạn văn lưu ý đến người rao giảng nên ông dùng cách nói ấy vì nó liên quan đến việc rao giảng. Chính những người sắp được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ cũng phải thanh tẩy cách suy nghĩ về sứ vụ rao giảng: không dừng lại ở chuyên môn, nhưng phải dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Các ông là ngư dân đích thực mà chài lưới cả đêm còn không được gì, bây giờ nghe theo lời một bác thợ mộc thì có phải là điên khùng chăng? Thế mà các ông đã “vâng lời Thầy” để thả lưới (x. Lc 5,5). Các ông được báo sẽ là người “chài lưới người ta” do bởi tin vào quyền năng của Đức Giêsu và được Ngài sai đi thi hành sứ vụ rao giảng.
Và điều quan trọng nữa là nội dung rao giảng. Với những kitô hữu ở Côrintô chịu ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp, họ gặp khó khăn trong việc tin vào sự sống lại, thánh Phaolô đã cho thấy chính Đức Giêsu đã sống lại và lời rao giảng của vị tông đồ nào cũng đều giống nhau ở niềm tin vào sự sống lại (x. 1Cr 15,1-2 và 11).
Rao giảng về Đức Giêsu Kitô không chỉ dừng lại ở lời nói bên ngoài và kỹ thuật, nhưng là toàn bộ con người của vị rao giảng. Họ phải lột bỏ những gì thuộc về trần thế, ngay cả cách suy nghĩ của người đời nữa. Tất cả cuộc sống của họ phải cho thấy niềm tin vào sự sống mai sau được thể hiện qua cách họ suy nghĩ, chọn lựa, phản ứng và hành động. Đó mới thực sự là “lời” rao giảng, là lời rao giảng bằng toàn bộ con người, giống như chính Đức Giêsu vậy.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn