Đời sống đạo của tín hữu các tôn giáo thường dừng lại ở những ý nghĩ về xét xử và thưởng phạt. Và do đó, tâm tình tôn giáo cũng thường là sợ hãi, là cố gắng với sự căng thẳng, nên cũng tìm cách giải thích để “né luật”, để giảm thiểu luật! Dân Do Thái khi nhìn về giao ước ở núi Sinai cũng ở trong nhãn giới đó.
Sứ điệp của Đức Giêsu Kitô mang đến cho nhân loại được gọi là Tin Mừng. Đó là lời mời gọi đoàn viên nơi gia đình của Thiên Chúa là Cha, có Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian bầu cử cho con người. Thư Hipri gọi đó là lời mời đi “dự hội vui” (12,22). Đó là cuộc hội của những người khao khát sự thánh thiện, khao khát điều tốt lành.
Sứ điệp mà Đức Giêsu bảo các môn đệ đi rao giảng là lời mời gọi sám hối để được cứu độ. Sứ điệp này được thể hiện qua thái độ thanh thoát với của cải nơi người rao giảng, qua việc chữa lành bệnh tật nhờ quyền năng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Đó chính là niềm hy vọng kitô giáo, niềm hy vọng đi về hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban, được tác giả thư Hipri gọi là “dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa” (12,23), có nghĩa là giữa những người được gọi đến hưởng hạnh phúc dư đầy, bởi vì con đầu lòng luôn là người được hưởng cách sung túc gia nghiệp của cha mình.
Kitô hữu phải là những con người của niềm vui. Các tu sĩ cũng là những người mang lại niềm vui cho người khác (xem Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Năm của Đời sống Thánh hiến 2015, số II, 1). Niềm hy vọng hướng về niềm vui ấy phải khiến kitô hữu hân hoan khi từ bỏ và sống theo lời của Đức Giêsu Kitô, cảm thấy hạnh phúc khi được dấn thân phục vụ cho người khác. Chính niềm vui mới có sức làm lan tỏa Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn