Trong Năm Thánh của Niềm Hy Vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi bệnh nhân và những người chăm sóc bệnh nhân hãy suy nghĩ về niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha gợi ra thực trạng là bệnh nhân thường hay thất vọng về những giới hạn của việc chữa trị, về điều kiện tài chính để chữa bệnh và đặc biệt là thất vọng về thái độ của người khác khi đối diện với các bệnh nhân, nhất là thái độ của những người thân thuộc! Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi niềm tin nơi Thiên Chúa thể hiện qua việc đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Trong tình trạng của tuổi già và bệnh tật, có lẽ Đức Thánh Cha có những cảm thông nhiều hơn với tình trạng của các bệnh nhân. Nếu không biết đặt niềm tin và niềm trông cậy nơi Thiên Chúa thì không vượt qua được những giới hạn như đã nói ở trên và đó sẽ là niềm bất hạnh lớn lao cho bệnh nhân. Và rồi nỗi thất vọng, sự bất mãn, sự tuyệt vọng sẽ nối tiếp nhau nơi cuộc sống của các bệnh nhân.
Chính nơi những trải nghiệm về bệnh tật mà bệnh nhân cũng như những người chung quanh có được những cuộc gặp gỡ. Gặp gỡ với Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Trong tình trạng bệnh tật, những cuộc gặp gỡ này mang những nét đặc thù và sâu sắc hơn. Nếu biết đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa, người ta có thể đi đến những cuộc gặp gỡ này, bằng không, bệnh nhân chỉ thấy mình là gánh nặng cho người khác và những người thân thuộc cũng cảm thấy bệnh nhân là gánh nặng cho mình và cho gia đình mình.
Bài trích sách Isaia nói về Giêrusalem như là nơi chốn đón tiếp, nơi mà những người con được mẹ mình an ủi, chăm sóc. Đó là hình ảnh của Đức Maria, người mẹ của nhân loại, nhất là nhân loại đau khổ. Đức Maria hiểu thấu những khó khăn của con người, như được ghi nhận nơi tiệc cưới Cana. Và nếu như các giáo phụ thường nói: những gì hiểu về Đức Maria thì cũng có thể hiểu về Hội Thánh, thì Hội Thánh, các gia đình Công Giáo, các cộng đoàn đức tin hãy là nơi chốn đón nhận với tấm lòng của người mẹ.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn