Bài giảng trên núi của Tin Mừng Matthêô gồm các chương 5, 6 và 7, được gọi là bài giảng khai mạc Nước Trời hoặc Hiến Chương Nước Trời. Những tính chất mà Chúa Giêsu nêu ra để đi vào Nước Trời hầu như mang tính chất yếu đuối, chịu thua thiệt! Có tác giả coi mối phúc thứ nhất về tinh thần khó nghèo như là sợi chỉ xuyên suốt, tiềm ẩn phía dưới của tất cả những mối phúc sau đó. Có tác giả khác, cùng quan điểm, nhưng gọi tinh thần khó nghèo bằng tên khác là đức khiêm nhường.
Cựu Ước thường coi những người khiêm nhường, tiếng Do Thái gọi là anawim, là những người đẹp lòng Chúa và có thể thực hiện chương trình của Chúa. Tiên tri Xôphônia nói về sự khó nghèo và đức khiêm nhường, đồng thời loan báo rằng Thiên Chúa sẽ cứu lấy một nhóm nhỏ, một “số sót lại” trong dân. Thời ấy, nước Israel đã bị đế quốc Assyria thôn tính, còn nước Giuđa miền Nam thì thờ các thần ngoại bang, không còn lòng đạo đức, chỉ tìm kiếm đời sống giàu sang. Tiên tri loan báo về sự suy sụp của vương quốc Giuđa này, nhưng Thiên Chúa sẽ cứu lấy một số nhỏ còn sót lại.
Tại sao Thiên Chúa chỉ hành động nơi những người khiêm tốn? Ngài sợ người ta giành mất công trạng của Ngài chăng? Không phải vậy! Thiên Chúa không hành động nơi người kiêu ngạo được bởi vì sự kiêu ngạo của con người chỉ đưa đến phá đổ mà thôi. Các kitô hữu ở Côrintô tự phụ về phe nhóm và sinh ra chia rẽ trong cộng đoàn! Vì thế, thánh Phaolô nhắc họ: khi được gọi, có mấy ai trong họ là quyền quý đâu! Thiên Chúa chọn những người bé nhỏ, khôn ngoan của Ngài là khôn ngoan của thập giá, hoàn toàn đối nghịch với khôn ngoan thế gian.
Cộng đoàn chia rẽ là do kiêu ngạo; việc tông đồ mang tính chất trần tục và gây ra chia rẽ là do kiêu ngạo. Thiên Chúa không hành động được nơi kẻ kiêu ngạo. Chỉ những người bé nhỏ, khiêm tốn mới có thể thi hành sứ mạng Chúa trao và mới có thể hiệp nhất mọi người, và xây dựng Nước Trời.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn