Vào thế kỷ 6 tCN, tiên tri Giêrêmia nói với dân Giuđa trước cuộc lưu đày Babilon về số phận của họ và của dân thuộc vương quốc Israel đã bị lưu đày trước đó rằng: rồi đây, Thiên Chúa không được gọi là Đấng đưa dân ra khỏi Ai Cập nữa, mà được gọi là Đấng đưa dân ra khỏi đất phương bắc và mọi nơi mà dân đã bị phân tán (bài đọc 1). Đất phương bắc là cách nói chỉ về đế quốc Assyria đã bắt dân Israel đi đày vào thế kỷ 8 tCN và về đế quốc Babilon đã bắt dân Giuđa đi đày vào hai thế kỷ sau đó. Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân “được cập nhật”. Đó là Đấng Cứu Độ của hôm nay, của một vị Thiên Chúa vẫn đang ở với dân, cùng đi với dân, chứ không chỉ là chuyện của quá khứ.
Và ơn cứu độ đó “được cập nhật” cách rõ nét nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Trong tuần lễ từ 18 đến 25/12, chúng ta hướng về ngày Giáng Sinh, ngày của ơn cứu độ. Nhưng một lần nữa, chúng ta cần đặt lại câu hỏi: phải chăng ơn cứu độ nơi Đức Giêsu cũng chỉ là chuyện cách đây 2.000 năm?!
Chuyện kể một tu viện trưởng hỏi vị ẩn sĩ tại sao cộng đoàn của ông cứ mãi bất ổn trong tương quan giữa các thành viên. Vị ẩn sĩ trả lời: vì các thành viên không tiếp đón Thiên Chúa đến thăm cộng đoàn với hình dạng con người! Khi biết câu trả lời đó, các thành viên đều tự hỏi: ai là người mà Thiên Chúa đã mượn hình hài để đến với cộng đoàn? Thầy này, cha kia, hay người làm vườn…? Trong tâm tư đó, mọi người thay đổi thái độ với nhau, và cộng đoàn vượt qua cơn khủng hoảng về tương quan!
Thiên Chúa chúng ta là một vị Thiên Chúa đi vào cuộc sống con người, cách đặc biệt hơn là nơi mầu nhiệm Nhập Thể. Người đương thời không ý thức điều này nên đã từ khước và loại trừ Đức Giêsu! Ngay ngày hôm nay, trong gia đình và trong cộng đoàn của tôi, vẫn có một vị Thiên Chúa đi vào cuộc sống con người để cứu độ con người ở ngay đó! Và cần phải ý thức thêm một hướng nữa là chính tôi cũng được Thiên Chúa “mượn hình hài” để đi vào cuộc sống của gia đình, của cộng đoàn mà tôi đang sống.
Khi đối diện với khác biệt của người khác, đừng đặt ngay câu hỏi “đúng hay sai?”, nhưng hãy đặt câu hỏi: tôi sẽ đón nhận khác biệt này như thế nào? Làm sao để hội nhập khác biệt này trong cuộc sống của cá nhân và cộng đoàn tôi đang sống?
Nhà chúng tôi có bức tượng thánh Giuse ẵm trẻ Giêsu, và cả hai đều mỉm cười. Thánh Giuse vui vẻ đón nhận nhiệm vụ Đức Maria giao cho, và Đức Giêsu vui thích khi có được người cha vui vẻ đón nhận mình.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn