Hiệp nhất trong đức tin là rất quan trọng, nhưng đó không thể là cớ cho những bạo lực! Thời Trung Cổ, “sự cạnh tranh trong đức tin” đã gây ra những bạo lực, loại trừ nhau giữa các tín hữu Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống. Giữa các tôn giáo khác nhau cũng xảy ra điều tương tự qua các giai đoạn lịch sử, ngay cả ngày hôm nay! Đức tin bị lạm dụng để gây ra bạo lực. Nếu như các Đức Giáo Hoàng gần đây đã nói rõ rằng nhân danh Thiên Chúa để gây ra chiến tranh là một lạm dụng và là sự xúc phạm đến Danh Thánh Chúa, thì người ta cũng có thể nói tương tự khi nhân danh đức tin để cư xử bạo lực với nhau!
Trong đời sống của Giáo Hội gần đây, người ta cũng nhận thấy những bài viết, những lời nói nhân danh là bảo vệ đức tin, nhưng lời lẽ không tôn trọng người khác và gây ra những xúc phạm, loại trừ nhau. Trong đời sống của một cộng đoàn đức tin, không ít lần người ta đã nhân danh nếp sống đạo đức hay kỷ cương của cộng đoàn mà gây tổn thương cho nhau. Và chính điều này càng làm cho chúng ta nhận thấy sự cần thiết của thái độ “đối thoại trong Thánh Thần” mà Thượng Hội Đồng Giám Mục 16 đang mời gọi mọi thành phần Giáo Hội thực tập.
Sự hiệp nhất trong đức tin không phải là đồng thuận với nhau về một số giáo thuyết thần học, nhưng là cùng được đưa vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô. Đó là một tương quan với nhau trong tương quan với Thiên Chúa: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23). Chỉ khi có được sự hiệp nhất giữa các ngôi vị chứ không phải chỉ là đồng ý về cùng giáo thuyết, thì sự hiệp nhất giữa các kitô hữu mới làm chứng được rằng Chúa Giêsu là Đấng được sai đến, đồng thời cũng làm chứng rằng con người được Thiên Chúa yêu thương.
Hãy là những con người của Thánh Thần, làm theo thúc đẩy của Thánh Thần, để kitô hữu có thể hiệp nhất với Thiên Chúa và thực sự hiệp nhất với nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn